Sáng 3-1, ông Bambang Soelistyo cho phóng viên hay đã tìm thấy thân chính của QZ8501. Phát biểu từ thủ đô Jakarta, ông nói 2 mảnh lớn đã được tìm thấy dưới đáy biển gần thị trấn Pangkalan Bun, ở độ sâu khoảng 30 m.
"Sau khi phát hiện một vệt dầu loang vào chiều tối 2-1, 3 tàu được điều đến khu vực trên và phát hiện 2 vật thể nằm gần nhau vào đêm cùng ngày. Với việc tìm thấy vệt dầu loang và 2 mảnh lớn, tôi đảm bảo rằng chúng thuộc về chiếc máy bay AirAsia mà chúng tôi đang tìm kiếm" - ông Soelistyo nói.
Ông cho biết thêm vật thể lớn hơn có kích thước khoảng 5x10 m. Hiện thời, các nhóm tìm kiếm đang triển khai một thiết bị tìm kiếm dưới nước (ROV) đến gần hơn để xem xét trước khi cho thợ lặn xuống. Tuy nhiên, ông Soelistyo nói dòng chảy xiết khiến ROV khó hoạt động.
Đưa thi thể nạn nhân lên máy bay vận chuyển về Surabaya. Ảnh: Reuters
Nguồn: Reuters
Thời tiết xấu
Thời tiết tại vùng biển tìm kiếm chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 của hãng AirAsia bị rơi vẫn tiếp tục xấu trong sáng 3-1, cản trở công tác cứu hộ. Một số đợt sóng ở đây cao đến 4m.
Ông Abdul Aziz Jaafar, Tư lệnh Hải quân Malaysia chia sẻ thông tin trên trang mạng xã hội Twitter rằng thời tiết xấu, gió mạnh từ 37 km/giờ – 56km/giờ, tầm nhìn xa khoảng 15 km kèm theo sóng lớn tiếp tục cản trở việc tìm kiếm xác máy bay và thi thể nạn nhân cũng như hộp đen.
Trước đó, Indonesia đã thông báo tìm thấy 30 thi thể. Trên kênh Metro TV, ông Yayan Sofiyan, chỉ huy trưởng của tàu chiến Bung Tomo thuộc Hải quân Indonesia, thông báo đội cứu hộ phát hiện vật thể nghi là đuôi của chiếc máy bay AirAsia QZ8501 ở độ sâu 29 m dưới biển Java.
Trong số 30 thi thể được vớt lên, 4 người đã được xác định danh tính. Ngoài nữ hành khách Hayati Lutfiah Hami đã được xác định trước đó, 3 người còn lại lần lượt là: tiếp viên Khairunnisa Haidar, hành khách Grayson Herbert Linaksita và Kevin Alexander Soetjipto.
Động cơ bị đóng băng?
Theo Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG), nguyên nhân khả dĩ nhất khiến máy bay số hiệu QZ8501 bị rơi là do tinh thể băng trong các đám mây phá hủy động cơ may bay. "Rất có khả năng động cơ máy bay hư hại do bị đóng băng" - báo cáo của BMKG viết.
Bản "phân tích khí tượng" dài 14 trang mà cơ quan trên phát hành là những tuyên bố chính thức đầu tiên của Jakarta về nguyên nhân tai nạn. Bản báo cáo này cũng phần nào xác nhận những giả thuyết mà giới chuyên gia bàn luận những ngày qua. Tuy nhiên, BMKG cẩn thận nói: "Đây chỉ là một phân tích dựa trên các dữ liệu khí tượng có sẵn chứ không phải là kết luận chính thức nguyên nhân máy bay rơi".
Theo BMKG, có thể chiếc Airbus A320-200 đã bay vào các đám mây bão. Các dự báo thời tiết trước chuyến bay cũng cho thấy lộ trình dự kiến của QZ8501 xuyên qua khu vực có "những điều kiện đáng lo ngại", thậm chí cảnh báo một cơn bão. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiệt độ có thể rớt xuống -80 đến -85 độ C, tức xuất hiện hạt băng trong mây.
Đình chỉ giấy phép bay của AirAsia tuyến Surabaya - Singapore
Trong thông cáo báo chí phát hành ngày 2-1 của Bộ Giao thông vận tải Indonesia, AirAsia bị đình chỉ bay tuyến Surabaya-Singapore và Singapore-Surabaya do vi phạm hợp đồng. Theo thỏa thuận ký ngày 24-10-2014, AirAsia chỉ được phép bay tuyến Surabaya-Singapore-Surabaya vào ngày thứ hai, ba, năm và bảy hàng tuần nhưng thực tế hãng này bay luôn ngày chủ nhật. Chiếc QZ8501 rơi vào ngày chủ nhật, 28-12.
“Việc đình chỉ bắt đầu từ ngày 2-1 và sẽ vẫn tiếp tục trong lúc chờ kết quả điều tra. AirAsia không đưa đề nghị xem xét lại lịch trình của mình, đó là hành vi vi phạm thỏa thuận” - J. A. Barata, phát ngôn viên của Bộ Giao thông vận tải Indonesia nói.
Bình luận (0)