Khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý "bình thường hóa quan hệ" trong cuộc gặp ngày 11-11, họ cũng đồng thời chấm dứt hơn 1 năm căng thẳng quanh việc Seoul triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ để đề phòng tên lửa Triều Tiên.
Có thể tạo tiền lệ đáng lo
Cho rằng Mỹ có thể dùng radar của THAAD để do thám mình, Trung Quốc phản ứng lại bằng những trừng phạt không chính thức nhằm vào Hàn Quốc. Sau 16 tháng bị Bắc Kinh vây hãm, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc "ngộp thở", như doanh số của hãng ô tô Hyundai ở Trung Quốc trong quý II/2017 giảm tới 64% so với một năm trước đó, chuỗi siêu thị Lotte mất 95% doanh số trong cùng thời kỳ... Du khách Trung Quốc tẩy chay Hàn Quốc, dẫn tới thất thu ước tính 15,6 tỉ USD cho ngành du lịch trong năm nay, theo Viện Nghiên cứu Hyundai.
Giờ đây, Seoul chấp nhận nhượng bộ "3 không" về quân sự để Bắc Kinh dỡ bỏ những trừng phạt trên - bao gồm không triển khai thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo ở Hàn Quốc, không tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực của Mỹ và không tham gia liên minh quân sự Hàn - Mỹ - Nhật. Báo South China Morning Post bình luận đây là "sự hy sinh quá lớn", có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho các đối thủ của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, Tổng thống Moon có quá ít lựa chọn, cả về kinh tế và chính trị.
Ngoài những khó khăn kinh tế nêu trên, chuyên gia Joseph E. Yi của Trường ĐH Hanyang lý giải quyết định của Seoul về mặt chính trị. "Ông Moon Jae-in thuộc cánh tả - lực lượng chống Nhật rất mạnh ở Hàn Quốc. Khi hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, thay vì thúc đẩy liên minh Nhật - Mỹ - Hàn, ông Moon lại giới thiệu một phụ nữ bị quân phiệt Nhật bắt làm nô lệ tình dục hồi Thế chiến thứ hai và đãi ông Trump món tôm đánh bắt ở vùng biển quanh đảo Dokdo tranh chấp với Nhật" - ông Yi nói.
Cũng theo chuyên gia Yi, "3 không" đã tạo ra một tiền lệ kết nối yếu tố kinh tế với chính trị và an ninh quốc gia. "Nếu không nhượng bộ với Trung Quốc thì chỉ còn cách bắt tay với Nhật và đây không phải là lựa chọn của phe cánh tả" - ông Yi đúc kết.
Người dân phản đối triển khai hệ thống THAAD của Mỹ tại Seongju - Hàn Quốc hồi tháng 9 Ảnh: EPA
Triều Tiên không chịu trận
Trung Quốc cũng đang có những động thái mới liên quan đến láng giềng Triều Tiên. Ông Tống Đào, đặc sứ của Chủ tịch Tập Cận Bình, đang có chuyến thăm Bình Nhưỡng và vừa gặp gỡ nhân vật số 2 Triều Tiên Choe Ryong-hae hôm 18-11. Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc đưa tin ông Tống có thể gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong ngày 19-11.
Việc ông Tống, Trưởng Ban Liên lạc đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đến Bình Nhưỡng một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Bắc Kinh làm dậy lên suy đoán ông này mang theo một thông điệp từ cuộc đối thoại giữa 2 ông Tập - Trump. Tuy vậy, các chuyên gia nghi ngờ sẽ có đột phá bởi cho rằng Bắc Kinh không còn nhiều ảnh hưởng chính trị với Bình Nhưỡng.
Bằng chứng là ngay trước khi ông Tống đến vào ngày 17-11, báo Rodong Sinmun của Triều Tiên đăng bài xã luận có nội dung: "Chúng tôi sẽ không lùi dù là một bước khỏi con đường tăng cường sức mạnh hạt nhân, trừ khi chính sách thù địch của Mỹ nhằm vào chúng tôi chấm dứt". Những lời lẽ này cho thấy Bình Nhưỡng không có hứng thú với chiến lược "đóng băng kép" - Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân còn Mỹ - Hàn ngừng tập trận chung - mà Bắc Kinh đề xuất.
Cũng trong ngày 17-11, tại cuộc gặp những người đồng cấp châu Phi tại Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Rex Tillerson kêu gọi các nước châu Phi cô lập Triều Tiên hơn nữa - bằng cách hạ cấp quan hệ ngoại giao, cắt đứt quan hệ kinh tế, trục xuất công nhân Triều Tiên, ngừng các chương trình huấn luyện quân sự... Sudan hôm 17-11 đã tuyên bố cắt đứt liên hệ thương mại quân sự và thương mại, nối dài danh sách các nước quay lưng với Bình Nhưỡng.
Theo Reuters, trong tháng 9, các nước Ai Cập, Uganda, Philippines, Mexico, Peru, Kuwait và Tây Ban Nha trục xuất đại sứ Triều Tiên. Gần đây hơn, Philippines và Singapore - lần lượt là đối tác thương mại lớn thứ 5 và 7 của Triều Tiên - cũng đình chỉ quan hệ làm ăn.
Trong bối cảnh chịu sức ép ngày càng nhiều, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) thông báo Bộ trưởng Ngoại giao nước này là ông Ri Yong-ho đã lên đường thăm Cuba trong ngày 17-11. Theo báo Washington Post, Cuba không thuộc tốp 10 đối tác thương mại của Triều Tiên nên chuyến thăm nhiều khả năng mang tính chính trị bởi 2 nước cùng có căng thẳng với Mỹ.
Bình luận (0)