Đài BBC đưa tin không thể giết dạng biến thể nguy hiểm của ký sinh trùng sốt rét này bằng thuốc chống sốt rét thông thường. Chúng được phát hiện tại Campuchia vào năm 2007 và các chuyên gia đang kêu gọi hành động trước khi hiểm họa lan sang các khu vực khác như Ấn Độ hoặc châu Phi.
Theo nghiên cứu của ông Arjen Dondorp, người đứng đầu Cơ quan Nghiên cứu Y học nhiệt đới Oxford tại Trường ĐH Mahidol (Thái Lan) và các đồng nghiệp, loại ký sinh trùng này đã lan sang miền Đông Bắc Thái Lan, miền Nam Lào, miền Đông Myanmar, miền Nam Việt Nam... Các nhà khoa học cảnh báo nguy cơ sốt rét trở thành căn bệnh không thể chữa khỏi.
Bệnh sốt rét bị gây ra bởi một ký sinh trùng lây lan qua muỗi hút máu Ảnh: SCIENCE PHOTO LIBRARY
Mỗi năm, thế giới có khoảng 212 triệu người mắc bệnh sốt rét - bị gây ra bởi một ký sinh trùng lây lan qua muỗi hút máu và là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em. Phương thức điều trị đầu tiên là dùng thuốc artemisinin kết hợp với thuốc piperaquine.
Tuy nhiên, artemesinin đã kém hiệu quả qua thời gian, trong khi loại ký sinh trùng trên lại tiến hóa để kháng được cả piperaquine dẫn đến "tỉ lệ thất bại đáng báo động" trong việc chữa trị sốt rét, theo một bài viết của các nhà nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa The Lancet Infectious Diseases. Ông Dondorp cảnh báo tình trạng kháng thuốc có thể dẫn đến thảm họa ở châu Phi, nơi xảy ra 92% ca sốt rét.
TS Michael Chew của tổ chức từ thiện nghiên cứu y học Wellcome Trust (Anh) cảnh báo sự lây lan của chủng "siêu vi khuẩn" sốt rét kháng được loại thuốc hiệu quả nhất đang có là rất đáng báo động. "Hiện có khoảng 700.000 người tử vong mỗi năm do các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc, trong đó có sốt rét. Nếu không ngăn chặn kịp thời, con số này có thể tăng lên hàng triệu người mỗi năm vào năm 2050" - ông Chew nói với đài BBC
Bình luận (0)