“Mặc dù chúng tôi đã huy động mọi nguồn lực, sử dụng công nghệ tối tân nhất và tham vấn các chuyên gia am tường lĩnh vực này nhưng không may, cuộc tìm kiếm vẫn không thể xác định được vị trí máy bay mất tích” - thông báo chung của 3 nước cho biết.
Chiến dịch tìm kiếm kéo dài gần 3 năm qua tập trung vào khu vực có diện tích 120.000 km2 ở Nam Ấn Độ Dương. Cách đây 1 tháng, một báo cáo của các nhà điều tra Úc cho rằng đội tìm kiếm quốc tế có thể đã tìm sai vị trí và đề nghị mở rộng thêm 25.000 km2 ở khu vực xa hơn về phía Bắc. Tuy nhiên, chính quyền Úc từ chối vì cho rằng thiếu bằng chứng thuyết phục.
Quyết định dừng tìm kiếm MH370 dĩ nhiên khiến người nhà nạn nhân vô cùng thất vọng. “Trách nhiệm của họ là tìm lời giải đáp về chuyện gì xảy ra với MH370, không chỉ đối với 239 người trên trên máy bay mà còn với thân nhân người bị nạn và cả thế giới - ông Steve Wang, người có mẹ trên chiếc MH370, nói với đài CNN.
Trong khi đó, nhóm Voice 370, ra đời để hỗ trợ gia đình nạn nhân vụ MH370, cảnh báo nếu không làm sáng tỏ vụ mất tích, một thảm kịch tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Theo AP, có khả năng một nhà tài trợ tư nhân hoặc chính quyền Malaysia sẽ chi tiền cho chiến dịch tìm kiếm mới. Dù vậy, vẫn chưa có khả năng nào thành hiện thực, làm dấy lên nỗi lo bí ẩn hàng không lớn nhất lịch sử sẽ không bao giờ có lời giải.
Chuyến bay MH370 biến mất hồi tháng 3-2014 với 239 hành khách và phi hành đoàn, chủ yếu là người Trung Quốc và Malaysia, khi đang trên hành trình từ thủ đô Kuala Lumpur - Malaysia đến thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc. Các nhà điều tra không tìm thấy bằng chứng cho thấy máy bay bị phá hoại và một số chuyên gia cho rằng vụ việc xảy ra do sự cố kỹ thuật.
Hơn 30 mảnh vỡ được cho là của chiếc máy bay xấu số đã được tìm thấy trên bờ biển của Mauritius, đảo Réunion của Pháp ở Ấn Độ Dương, Mozambique, Tanzania và Nam Phi.
Bình luận (0)