Vụ thảm sát tại hộp đêm ở TP Orlando - Mỹ đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối đe dọa ngày càng gia tăng đến từ các phần tử khủng bố “sói đơn độc” trong lòng nước Mỹ. Hành động nguy hiểm của chúng được kích động bởi bộ máy tuyên truyền của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang ráo riết săn tìm tân binh.
Tự cực đoan hóa
Theo báo cáo mới nhất có tên “Phân tích kẻ thánh chiến Orlando và các vụ tấn công sói đơn độc” của Viện Công nghệ Cơ sở hạ tầng xung yếu Mỹ (ICIT), hiểm họa lớn nhất mà phương Tây đối mặt ngày nay là những đối tượng đang tự cực đoan hóa và “ngả vào vòng tay” của IS.
Tác giả báo cáo trên, chuyên gia cấp cao James Scott của ICIT, nhận định IS sử dụng truyền thông xã hội để tuyển mộ, đồng thời để lan truyền những thông điệp tuyên truyền của chúng tới các “con mồi béo bở” ẩn mình trên internet. Giới nghiên cứu an ninh mạng cũng cảnh báo “sói đơn độc” thường tìm kiếm các thông tin tuyên truyền của IS trước khi ra tay. Theo giáo sư Scott Decker, chuyên nghiên cứu về tội phạm và tư pháp hình sự tại Trường ĐH Arizona (Mỹ), internet đang vô tình tiếp tay lan truyền chủ nghĩa khủng bố. “Đặc biệt, các cá nhân ở Mỹ đã trở nên cực đoan hơn khi tiếp cận những thông tin từ nguồn này” - ông nhấn mạnh.
Trả lời báo chí tại Nhà Trắng sau cuộc họp với giới chức an ninh hôm 13-6, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết nghi phạm vụ thảm sát Omar Mateen được truyền cảm hứng bởi những thông tin cực đoan được gieo rắc trên internet. Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey xác nhận khẳng định này và nhấn mạnh hiện vẫn chưa có bất cứ bằng chứng nào cho thấy nghi phạm có liên hệ trực tiếp với bất cứ mạng lưới hoặc nhóm khủng bố nào ở nước ngoài.
Theo truyền thông địa phương, trước khi giết chết 49 người và khiến 53 người khác bị thương ở hộp đêm Pulse của người đồng tính hôm 12-6, Mateen đã gọi tới số điện thoại khẩn cấp 911 và tuyên bố trung thành với IS. Đáng chú ý, tên sát thủ máu lạnh này không phải là gương mặt xa lạ với các cơ quan điều tra an ninh Mỹ.
Năm 2013, FBI từng thẩm vấn Mateen vì những bình luận kích động liên quan tới khủng bố. Một năm sau đó, hắn bị FBI thẩm vấn lần nữa vì nghi án dính líu tới Moner Mohammad Abusalha, một công dân Mỹ chịu trách nhiệm tuyển mộ cho al-Qaeda. Tuy nhiên, cả 2 lần, cơ quan này đều phải thả Mateen vì không đủ bằng chứng thuyết phục. Một trong những khó khăn mà các cơ quan chức năng Mỹ phải đối mặt trong việc lật tẩy những tên như Mateen chính là bảo đảm quyền tự do cá nhân không bị xâm hại theo quy định của hiến pháp và pháp luật.
Khó phát hiện
Trước đó, một cặp đôi thề trung thành với IS khác là Syed Farook và Tashfeen Malik cũng chỉ lộ diện sau khi xả súng vào một bữa tiệc dành cho nhân viên của Sở Y tế công cộng San Bernardino, bang California hồi tháng 12-2015, khiến 14 người thiệt mạng và 21 người bị thương. Theo ICIT, cũng như Mateen, cặp đôi này là những phần tử Hồi giáo cực đoan chưa từng liên lạc trực tiếp với các thủ lĩnh IS. Chúng tự “giác ngộ” tư tưởng cực đoan và tự lên kế hoạch tiến hành tấn công với quy mô không hề thua kém bất kỳ cuộc tấn công có tổ chức nào. Một kịch bản thường thấy là sau mỗi vụ tấn công như vậy, IS đều nhanh chóng lên tiếng nhận trách nhiệm.
Nguyên nhân khiến “sói đơn độc” khó bị phát hiện chính là lối hành động độc lập của chúng. Theo cựu đặc vụ FBI Michael German, việc chúng không có đồng phạm dẫn tới khả năng rò rỉ thông tin về âm mưu tấn công là rất thấp, khiến cơ quan thực thi pháp luật khó có manh mối để ngăn chặn kịp thời. Các chuyên gia đều có chung quan điểm rằng cần phải lọc những bình luận trên mạng xã hội để phát hiện các mối đe dọa tiềm tàng. Theo ông Jeffrey Simon - giảng viên thỉnh giảng tại khoa Khoa học Chính trị của Trường ĐH California ở TP Los Angeles, tác giả cuốn “Khủng bố sói đơn độc” - trước khi hành động, chúng thường có những bình luận rất cực đoan trên trang cá nhân.
D. Trump - H. Clinton: Khẩu chiến leo thang
Hai nhân vật dự kiến là đối thủ của nhau trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đã leo thang cuộc khẩu chiến liên quan đến vụ xả súng kinh hoàng ở TP Orlando hôm 12-6. Những phát biểu của tỉ phú Donald Trump và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton một ngày sau vụ thảm sát phần nào nêu bật quan điểm tương phản về cách thức đối phó bạo lực súng đạn và chủ nghĩa khủng bố.
Không có gì lạ khi ông Trump, ứng viên Đảng Cộng hòa, là người khiêu chiến với những lời lẽ công kích chính sách nhập cư của chính quyền Tổng thống Barack Obama cũng như liên tục chĩa “mũi dùi” vào bà Clinton, ứng viên Đảng Dân chủ. “Bà Clinton muốn cho phép những kẻ khủng bố Hồi giáo quá khích vào đất nước chúng ta - bọn họ bắt phụ nữ làm nô lệ và sát hại người đồng tính. Tôi không muốn chúng có mặt ở đất nước chúng ta” - ông Trump công kích trong bài phát biểu tại Trường Cao đẳng Saint Anselm ở bang New Hampshire hôm 13-6.
Tờ Boston Globe nhận định phần lớn bài phát biểu kéo dài 30 phút nhằm vào bà Clinton - cái tên được ông Trump nhắc đến 19 lần cùng với những cáo buộc như ứng viên tổng thống này “yếu đuối”, “muốn tước vũ khí của người Mỹ rồi chào đón những người muốn sát hại chúng ta”.
Rõ ràng là tỉ phú truyền thông nóng mặt bởi bài phát biểu trước đó của bà Clinton tại TP Cleverland, bang Ohio. Dù không nêu đích danh ông Trump nhưng bà Clinton ám chỉ những chính sách, phát biểu gây chia rẽ của ông này về người Hồi giáo sẽ chỉ làm lợi cho bọn khủng bố. Thay vào đó, bà Clinton kêu gọi sự đoàn kết, siết chặt luật súng (cấm vũ khí tấn công, kiểm tra chặt chẽ hơn lý lịch người mua súng) và tăng cường tham vấn các đồng minh để đối phó khủng bố hiệu quả hơn.
Trả lời phỏng vấn đài CNN trước khi có bài phát biểu trên, bà Clinton khẳng định sẵn sàng sử dụng cụm từ “chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan” để mô tả vụ tấn công ở Orlando nhưng sẽ không “tuyên chiến với cả một tôn giáo”. Phản bác những chỉ trích của ông Trump, bà Clinton nhấn mạnh điều quan trọng là làm gì chứ không phải nói gì để tiêu diệt khủng bố.
Trước vụ xả súng ở Orlando, các cuộc thăm dò cho thấy cử tri đánh giá bà Clinton sẽ làm công việc giữ nước Mỹ được an toàn tốt hơn ông Trump. Ông David Schaefer, nhà khoa học chính trị tại Trường Cao đẳng Holy Cross (Mỹ), nhận định một số cử tri có thể chuyển sang ủng hộ lập trường cứng rắn của ông Trump. Dù vậy, ông Schaefer cũng chỉ ra rằng một loạt phát biểu gây tranh cãi mới nhất của tỉ phú này có thể làm suy yếu lập luận của chính mình, như phát biểu bị xem là có ý gắn kết ông Obama với vụ tấn công ở Orlando.
Hoàng Phương
Bình luận (0)