Ngoài đề nghị giúp tìm kiếm từ trên không, Mỹ còn sẵn sàng đảm nhận vai trò dẫn đầu trong bất kỳ nỗ lực đa quốc gia nào của Liên Hiệp Quốc nhằm tái định cư người Rohingya Hồi giáo và Bangladesh di cư. Trong khi đó, siêu cường số một châu Á – Trung Quốc – chưa hé một lời kể từ khi khủng hoảng di cư nổ ra ở Đông Nam Á.
Chưa có bên nào kêu gọi Trung Quốc chung tay giải quyết song kỳ vọng về sự tham gia này vẫn tăng lên bởi Trung Quốc có mặt ngày càng nhiều trong các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc cũng như các chiến dịch cứu trợ quốc tế, như tại Nepal gần đây. Hải quân Trung Quốc thường xuyên qua lại biển Andaman để chống cướp biển nhưng nước này chưa cho biết sẽ phản ứng ra sao nếu gặp một tàu di cư trôi dạt.
Điều này phản ánh chính sách không can thiệp vào chuyện không phải của mình của Trung Quốc và qua đó chứng tỏ khát vọng trở thành thủ lĩnh khu vực của Bắc Kinh không dễ gì đạt được. “Trung Quốc chưa bao giờ thích ứng được với việc phải đi đầu trong những vấn đề không được “lại quả” về tài chính hay chính trị. Muốn có quyền lãnh đạo, phải chấp nhận trả giá. Đằng này Bắc Kinh chỉ muốn lợi lộc” – ông Zachary Abuza, thuộc Viện Phân tích Đông Nam Á đặt tại Thái Lan, nhận xét.
Theo ông Abuza, đầu tư và phát triển hạ tầng mới là khởi điểm ưa thích của Bắc Kinh để tiến đến vai trò lãnh đạo. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với dự trữ ngoại tệ gần 4.000 tỉ USD này đang nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng khắp châu Á. Gần đây nhất, Trung Quốc thu hút được 57 quốc gia trong và ngoài khu vực trở thành thành viên sáng lập của Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB),
Tuy nhiên, sức nặng về kinh tế không phải lúc nào cũng đi cùng ảnh hưởng chính trị. Bằng chứng là các quốc gia Đông Nam Á luôn dè chừng các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên biển Đông. Ngay cả Nhật Bản và Ấn Độ cũng không ngừng cảnh giác Trung Quốc.
Số phận của người Rohingya Hồi giáo không phải là cơ hội tốt nhất để Trung Quốc thể hiện vai trò đi đầu. “Trung Quốc cách xa khu vực mà người di cư đang trôi dạt nên nước này có thể nước này sẽ không can thiệp” – ông Zhu Zhenming, giáo sư về Nghiên cứu Đông Nam Á ở Trường ĐH Vân Nam, nói.
Vả lại, theo ông Zheng Yongnian, giám đốc Viện Đông Á của Trường ĐH Quốc gia Singapore, Trung Quốc thiếu kinh nghiệm ứng phó với vấn đề người tị nạn. Dù đang cung cấp nơi trú ẩn cho người dân ở miền Bắc Myanmar trốn chạy đụng độ giữa quân chính phủ và phiến quân, Trung Quốc luôn khẳng định đây chỉ là tình huống tạm thời và sốt ruột chờ dòng người tị nạn quay về nhà. Trung Quốc cũng là điểm đến phổ biến của người đào tẩu Triều Tiên nhưng Bắc Kinh xem họ là di dân kinh tế hơn chứ không phải người tị nạn.
Bản thân Bắc Kinh cũng đau đầu với việc tái định cư chính người dân của mình sau những dự án hạ tầng khổng lồ như dự án xây đập Tam Hiệp. Ngoài ra, Trung Quốc còn phải ngăn chặn dòng di cư của các sắc tộc thiểu số như người Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ.
“Vì nguyên tắc không can thiệp nội bộ, tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ dính vào cuộc khủng hoảng liên quan đến người Rohingya. Trung Quốc nên để ý đến vấn đề này nhưng họ không có cơ sở để hành động lúc này” – ông Su Hao, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Đối ngoại Trung Quốc, cho biết.
Bình luận (0)