Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 15 tại Singapore, Trung Quốc liên tiếp bị công kích vì những hành động khiêu khích ở biển Đông.
Đề cao hành xử theo luật
Phát biểu trong phiên toàn thể đầu tiên với chủ đề “Đương đầu những thách thức an ninh phức tạp ở châu Á” hôm 4-6, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo Trung Quốc có thể dựng lên “Vạn Lý Trường Thành tự cô lập” nếu tiếp tục có những hành động khiêu khích trên biển, trên không và không gian mạng. Ông đặc biệt nhấn mạnh bất kỳ hành động nào của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng bãi cạn Scarborough (chiếm của Philippines) sẽ mang lại hậu quả.
“Nếu điều đó xảy ra, Mỹ sẽ hành động và các nước khác trong khu vực cũng sẽ hành động. Điều này sẽ không chỉ khiến căng thẳng gia tăng mà còn khiến Trung Quốc bị cô lập” - ông Carter cảnh báo, đồng thời cam kết Mỹ sẽ tiếp tục bảo đảm an ninh ở châu Á trong nhiều thập kỷ tới.
Ông Carter cũng nhấn mạnh “an ninh như là ôxy” và không thể nhận ra tầm quan trọng của nó cho đến khi đánh mất nó. Bên cạnh đó, ông chủ Lầu Năm Góc đề cao vai trò đi đầu của ASEAN trong “mạng lưới an ninh có nguyên tắc” ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc ông Carter nhấn mạnh từ “có nguyên tắc” không ít hơn 37 lần trong bài phát biểu nêu bật sự quan tâm đặc biệt và đề cao cách hành xử theo những quy tắc được luật pháp quốc tế công nhận. Trong thông điệp mang tính hòa giải, ông Carter thúc giục Bắc Kinh tham gia mạng lưới an ninh nói trên để bảo đảm “sự ổn định và thịnh vượng tại một khu vực năng động”.
Nóng mặt trước những chỉ trích mạnh mẽ nói trên, Chuẩn Đô đốc Quan Hữu Phi, Chủ nhiệm bộ phận Hợp tác Quân sự quốc tế của Quân ủy Trung ương Trung Quốc, lớn tiếng cáo buộc chính Mỹ mới là nước đang tìm cách cô lập Bắc Kinh. Ông này nói thêm Mỹ nên giảm bớt các cuộc tập trận, hoạt động tuần tra “khiêu khích” ở khu vực, đồng thời tuyên bố bất kỳ nỗ lực cô lập Trung Quốc nào cũng sẽ thất bại.
Đồng loạt chỉ trích
Nỗi lo về tình hình biển Đông được nhiều quan chức khác chia sẻ tại Đối thoại Shangri-La hôm 4-6. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho biết Tokyo lo ngại sâu sắc về những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng biển Đông khiến không nước nào có thể “ngoài cuộc” trong vấn đề này. Dù không nêu đích danh Trung Quốc nhưng ông Nakatani quan ngại những hoạt động cải tạo quy mô lớn và quân sự hóa ở biển Đông ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh quốc gia của Nhật Bản và hoạt động giao thương toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, Tokyo cho biết sẽ giúp các nước Đông Nam Á tăng cường khả năng an ninh để đối phó những hành động đơn phương, nguy hiểm ở biển Đông. Theo ông Nakatani, sự hỗ trợ này tập trung vào việc nâng cao khả năng giám sát, tiến hành tập trận chung và hợp tác phát triển thiết bị mới. Hồi tháng 5, Nhật Bản công bố thỏa thuận cho Philippines thuê 5 máy bay TC-90 King Air dùng để tuần tra. Manila cũng muốn sử dụng máy bay tuần tra Lockheed Martin P3-C của Nhật Bản để theo dõi tàu ngầm Trung Quốc ở gần vùng biển của mình.
Trả lời phỏng vấn trang Bloomberg bên lề Đối thoại Shangri-La ngày 3-6, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee cho rằng Trung Quốc phải giải thích về chương trình xây đảo nhân tạo ở biển Đông, nếu không sẽ tiếp tục gây lo ngại cho những nước có nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại tự do.
Trong phiên “Kiểm soát căng thẳng trên biển Đông” tại Đối thoại Shangri-La chiều 4-6, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam Bùi Văn Nam nhấn mạnh các hành động đơn phương đang làm thay đổi nguyên trạng ở biển Đông, trái với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và luật pháp quốc tế, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông. Theo VOV, Thứ trưởng Bùi Văn Nam cũng đề xuất một số biện pháp hạn chế nguy cơ va chạm trên biển, như thiết lập đường dây nóng...
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu
Trong ngày làm việc thứ hai (5-6), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, cùng có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể có chủ đề “Thách thức trong việc giải quyết xung đột”.
Theo TTXVN, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh ngày 4-6 tiếp song phương với đại diện Liên minh châu Âu (EU), Anh và Ý nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác về an ninh quốc phòng. Đề cập tình hình biển Đông, Giám đốc phụ trách an ninh và đối ngoại EU Gunnar Wiegan cho rằng liên minh này có lợi ích tại khu vực này bởi 40% hàng hóa của EU lưu thông qua đây. EU khuyến khích các bên có liên quan tham gia đối thoại và mong muốn giữa Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) để làm cơ sở giải quyết các vấn đề nảy sinh. Trong khi đó, Việt Nam và Ý có thể đẩy mạnh hợp tác như nghiên cứu chiến lược, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, hợp tác về công nghiệp quốc phòng. Về phía Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Michael Fallon cho biết sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các học viên sĩ quan của Việt Nam theo học các khóa học tại Anh, phối hợp với Việt Nam trong việc triển khai bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan...
Trước đó, hôm 3-6, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh có các cuộc gặp song phương với Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ David Shear, Đô đốc Tôn Kiến Quốc và quan chức quốc phòng Singapore, Úc, New Zealand, Canada.
Bình luận (0)