Một báo cáo mới của Công ty cung cấp dịch vụ kiểm soát chất lượng và chuỗi cung ứng QIMA (trụ sở ở Hồng Kông) cho thấy đại dịch Covid-19 đang đẩy nhanh xu hướng chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc của các công ty châu Âu và Bắc Mỹ.
Báo cáo của QIMA ghi nhận sự gia tăng nhu cầu của các công ty nói trên đối với kiểm tra và kiểm toán ở khu vực Đông Nam Á và Nam Á. Những báo cáo kiểm tra, kiểm toán như thế thường được sử dụng bởi các công ty muốn chuyển hoạt động sang địa điểm mới. Đáng chú ý, nhu cầu đối với Đông Nam Á tăng 45%, trong đó, Việt Nam, Myanmar và Philippines là những nước dẫn đầu. Sự gia tăng này xảy ra trong 2 tháng 1 và 2-2020, thời điểm Trung Quốc trong tình trạng phong tỏa vì dịch Covid-19.
Một xưởng may tại TP Hà Nội hoạt động hôm 1-6 sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng Ảnh: REUTERS
Xu hướng chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc bắt đầu kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra vào năm 2018. Theo nghiên cứu của Tập đoàn Tài chính Nomura (Nhật Bản), Đông Á và Đông Nam Á là điểm đến hàng đầu của 56 công ty có động thái như thế trong giai đoạn 2018-2019. Cụ thể, 28 doanh nghiệp trong số này chuyển đến Việt Nam, 11 đến Đài Loan, 8 đến Thái Lan và chỉ có 3 đến Ấn Độ.
Ngoài ra, theo một cuộc khảo sát của QIMA đối với trên 200 công ty, 87% doanh nghiệp cho biết đại dịch Covid-19 sẽ gây ra những thay đổi đáng kể trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, hơn 50% công ty cho biết họ đã bắt đầu chuyển sang các nhà cung ứng tại những khu vực ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Kết quả khảo sát nêu bật việc các công ty đang tìm kiếm những điểm đến an toàn hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành trên thế giới. Điều này đồng nghĩa những quốc gia ứng phó dịch bệnh tốt có thể được lựa chọn nhiều hơn.
Theo trang India Today hôm 10-6, Việt Nam hiện là một điểm đến như thế nhờ thành tựu ấn tượng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ngoài ra, sức hút của Việt Nam còn gia tăng sau khi Quốc hội hôm 8-6 phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Điều này giúp giải thích lý do Ấn Độ hiện chưa phải là điểm đến ưa thích của các công ty đang chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc hoặc có kế hoạch làm thế. Với họ, việc được tiếp cận một thị trường lớn như Ấn Độ không phải là yếu tố quyết định duy nhất.
Bình luận (0)