Cho đến bây giờ, vẫn không rõ phát biểu yêu cầu Syria giao nộp vũ khí hóa học của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry là lỡ lời hay có ẩn ý khéo léo. Nhưng việc Nga nhanh chóng chớp lấy cơ hội này dường như đang mở ra một lối thoát cho các nước liên quan: Syria thoát khỏi nguy cơ bị tấn công, Mỹ tránh được cuộc giằng co giữa Tổng thống Barack Obama và các nghị sĩ, còn Nga trở thành sứ giả hòa bình.
Diễn biến không ngờ
Liên Hiệp Quốc, các nước phương Tây như Anh, Đức, Pháp, rồi Trung Quốc, Iran liên tiếp “bàn vô” cho đề xuất “thú vị” của Nga - theo nhận xét của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố “sẽ có bước tiến khổng lồ” nếu Syria giao nộp vũ khí hóa học, song cũng nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần bảo đảm ý tưởng này không trở thành “chiến thuật đánh lạc hướng” hay câu giờ. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon thì tuyên bố: “Tôi đang cân nhắc thúc giục Hội đồng Bảo an yêu cầu chuyển vũ khí hóa học của Syria đến một số khu vực tập trung tại nước này để lưu trữ và và tiêu hủy an toàn”.
Ngay cả Mỹ cũng có động tác hãm phanh. Thượng viện Mỹ, sau ngày đầu tranh luận 9-9, đã quyết định hoãn bỏ phiếu có cho Mỹ can thiệp quân sự vào Syria hay không. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn 6 đài truyền hình lớn của Mỹ ngày 9-9, Tổng thống Obama khẳng định “hoàn toàn có thể tạm dừng kế hoạch tấn công Syria” nếu đề xuất của Nga thành hiện thực. Tuy vậy, ông Obama vẫn giữ quan điểm đẩy mạnh các nỗ lực thuyết phục quốc hội. Phát biểu trên đài NBC, ông Obama nói: “Đây có thể là một đột phá quan trọng. Nhưng chúng ta phải thận trọng vì đây không phải là cách mà Syria hành xử những năm gần đây”.
Giải pháp viển vông?
Tuy nhiên, giao nộp và tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria khó như hái sao trên trời do nước này đang chìm trong nội chiến hỗn loạn, theo lo ngại của giới chức Mỹ và các chuyên gia.
Syria chưa ký Công ước quốc tế về cấm vũ khí hóa học trong khi nước này được tin là sở hữu rất nhiều khí độc sarin, hơi độc lò và nhiều chất độc đối với thần kinh khác tại hàng chục địa điểm trên cả nước. “Ý tưởng thì rất hay nhưng rất khó đạt được. Syria đang nội chiến, có khi nào các bên đột ngột dừng bắn giết để các thanh sát viên vào kiểm tra và tiêu hủy vũ khí hóa học không?” - một quan chức Mỹ giấu tên đặt câu hỏi.
Ngay cả trong thời bình, phá hủy kho vũ khí hóa học của một quốc gia theo luật quốc tế cũng đã rất phức tạp, có thể kéo dài nhiều năm và tiêu tốn hàng tỉ USD cộng với sự theo dõi từng bước một của các thanh sát viên quốc tế. Điển hình, Mỹ chi gần 35 tỉ USD để tiêu hủy 90% kho vũ khí hóa học của họ trong vòng hơn 20 năm. Những phòng tiêu hủy đặc biệt được xây dựng tại các kho vũ khí hóa học trên cả nước và bom, rốc-két, đạn pháo được hủy từng cái một. Có thể đến tận năm 2021, Mỹ mới hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này, theo chuyên gia kiểm soát vũ khí Paul Walker của tổ chức Chữ thập xanh. Về phía Nga, dù khởi động từ những năm 1990 nhưng đến năm 2012 mới hủy được 54% kho vũ khí hóa học, theo Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW).
Bà Michelle Obama phản đối tấn công Syria Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa tiết lộ trên đài PBS và NBC rằng vợ ông, bà Michelle Obama, phản đối hành động quân sự nhằm vào Syria khi gia đình ông từng thảo luận về vấn đề này. Trước việc người dân Mỹ phản đối can thiệp vào Syria, tổng thống Mỹ nói: “Tôi hiểu người Mỹ chán ghét chiến tranh. Nếu bạn hỏi Michelle: "Liệu chúng ta có muốn dính dáng vào một cuộc chiến tranh khác nữa không?’. Câu trả lời là: Không” - ông Obama nói với NBC ngày 9-9. Tổng thống Obama dự kiến làm việc với Thượng viện trong ngày 10-9 (giờ địa phương) về vấn đề Syria. Trong khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ James Miller đang ở thăm Trung Quốc cho biết việc can thiệp quân sự vào Syria sẽ giúp ngăn chặn Triều Tiên sử dụng kho vũ khí hóa học. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cũng có ý kiến tương tự trước đó một ngày. |
Bình luận (0)