Các tài liệu, xuất hiện trong tháng 2 và tháng, nêu chi tiết nhiều sự thiếu hụt quân sự được cho là của Ukriane khi Kiev chuẩn bị cho cuộc phản công mùa xuân được mong đợi từ lâu.
Một số tài liệu mật cảnh báo rằng hệ thống phòng không tầm trung của Ukraine để bảo vệ các binh sĩ tiền tuyến có khả năng bị áp đảo hoàn toàn vào ngày 23-5, tức Nga có thể sớm chiếm ưu thế trên không và khiến phía Ukriane mất khả năng tập hợp lực lượng mặt đất.
Một quân nhân Ukraine chiến đấu ở vị trí tiền tuyến ngoại ô TP Bakhmut hôm 10-4 - Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, các tài liệu cũng nhấn mạnh những vấn đề còn tồn tại ở phía Nga, dự báo kết quả sẽ là sự bế tắc của cả hai phía Nga - Ukraine trong thời gian gần.
"Chiến dịch tiêu hao của Nga ở khu vực Donbas có thể đi đến bế tắc, cản trở mục tiêu của Moscow là chiếm toàn bộ khu vực vào năm 2023" - một tài liệu được phân loại mật viết.
Theo CNN, các quan chức "quen thuộc với tình hình" nói vơi đài này rằng các tài liệu dường như là một phần của bản tóm tắt tình báo hàng ngày được chuẩn bị cho các lãnh đạo cấp cao của Lầu Năm Gốc, bao gồm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân - tướng Mark Milley.
Bộ Tư pháp Mỹ đã mở một cuộc điều tra hình sự lớn về vụ việc và một số quan chức thể hiện sự quyết tấm đi đến cùng để tìm ra nguồn gây rò rỉ, cũng như giải quyết tình hình.
Các binh sĩ Ukraine vận chuyển vũ khí ở tiền tuyến ngoại ô TP Bakhmut - Ảnh: REUTERS
Bình luận về vụ việc với CNN, Trung tướng về hưu Mark Hertling cho rằng những thách thức mà phía Ukraine phải đối mặt trong cuộc phản công đã rõ ràng trong nhiều tuần, bao gồm nhu cầu về thiết bị quân sự.
Tài liệu có thể nói về một số vị trí của các đơn vị, khả năng đạn dược và thiết bị của Ukraine nhưng có thể không nằm ngoài những gì phía Nga đã biết, nên không nhất thiết cần đến sự thay đổi kế hoạch, theo Trung tướng Hertling.
Hàn Quốc - Ai Cập bác bỏ nhiều thông tin
Hàn Quốc hôm 11-4 khẳng định thông tin chứa trong các tài liệu bị rò rỉ của Lầu Năm Góc trong đó chứa các "cuộc trò chuyện nhạy cảm" giữa các quan chức an ninh hàng đầu của Hàn Quốc mà phía Mỹ bị cáo buộc nghe lén là "bịa đặt".
Trong một tuyên bố, văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết các cáo buộc Mỹ thâm nhập vào các kênh liên lạc chính thức của nước này là "một sự nghi ngờ sai lầm vô lý", cũng như cho biết Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sop đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin vào hôm 11-4, đồng thuận rằng "một lượng đáng kể các tài liệu đã bị ngụy tạo".
Song song đó, một quan chức cấp cao Ai Cập được truyền thông nhà nước giấu tên cũng bác bỏ thông tin trong tài liệu bị rò rỉ này cho rằng quân đội Ai Cập đang lên kế hoạch sản xuất 40.000 quả rocket cho Nga.
Tài liệu rò rỉ mà tờ Washington Post đăng tải trước đó cũng cáo buộc rằng Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã chỉ thị cho các quan chức giữ bí mật về việc sản xuất và vận chuyển để "tránh các vấn đề với phương Tây".
Quan chức Ai Cập nói thông tin của Washington Post là phi lý và khẳng định Ai Cập đang theo chính sách cân bằng với các bên quốc tế. Nhà Trắng cũng cho biết họ không thấy dấu hiệu nào cho thấy Ai Cập đang cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, theo CNN.
Bình luận (0)