Số ca mắc Covid-19 trên thế giới đã vượt mốc 38 triệu người giữa lúc vấn đề tái nhiễm được quan tâm trở lại trong khi nỗ lực tìm kiếm vắc-xin phòng ngừa, thuốc điều trị gặp thách thức.
Một cụ bà Hà Lan 89 tuổi vừa tử vong sau khi tái nhiễm virus SARS-CoV-2, làm dấy lên câu hỏi miễn dịch và kháng thể có thể kéo dài bao lâu. Theo công trình mới đăng trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm lâm sàng, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Trường ĐH Maastricht University (Hà Lan) cho biết bệnh nhân này tử vong sau gần 3 tuần mắc Covid-19 lần thứ 2. Kết quả phân tích cho thấy virus gây ra 2 lần bệnh của người này có sự khác biệt về gien, dẫn đến kết luận bà có thể đã bị tái nhiễm SARS-CoV-2 .
Dù vậy, theo đài CNN ngày 13-10, các nhà nghiên cứu nói thêm người phụ nữ cao tuổi này mắc một loại ung thư tủy xương hiếm gặp và việc điều trị dẫn đến suy giảm miễn dịch dù phản ứng miễn dịch tự nhiên của bệnh nhân vẫn đủ để chống chọi Covid-19. Ngoài ra, lần nhiễm thứ hai của bệnh nhân nặng hơn lần đầu.
Cảnh sát đội “mũ bảo hiểm thông minh” có khả năng đo thân nhiệt người xung quanh khi đi tuần tại thủ đô Kuala Lumpur - Malaysia hôm 14-10Ảnh: Reuters
Đây được xem là trường hợp tử vong đầu tiên của người tái nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận trên thế giới. Trước đó, đã có một số trường hợp tái mắc Covid-19 được công bố trên thế giới, trong đó mới nhất là ca đầu tiên ở Mỹ. Bệnh nhân này là một thanh niên 25 tuổi sống tại hạt Washoe, bang Nevada.
Trong công trình đăng trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lancet hôm 12-10, nhóm nghiên cứu cho biết người này 2 lần cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 hồi tháng 4 và tháng 6 và đều có những triệu chứng của bệnh, như đau họng, ho, nhức đầu… Người này không có bệnh lý nền nhưng bị nặng hơn trong lần nhiễm thứ hai, tương tự bệnh nhân Hà Lan nói trên. Các tác giả cho biết cần nghiên cứu thêm về số ít trường hợp tái nhiễm được ghi nhận cho đến giờ nhưng nhận định việc bệnh nhân từng mắc Covid-19 không có nghĩa sẽ hoàn toàn miễn dịch với virus gây ra bệnh này.
Báo The New York Times (Mỹ) dẫn lời các chuyên gia nhấn mạnh rằng những trường hợp tái nhiễm như thế hiện vẫn vô cùng hiếm: chưa đến 5 ca được các nhà khoa học xác nhận là tái nhiễm cho đến giờ. Dù vậy, bà Akiko Iwasaki, nhà nghiên cứu về miễn dịch tại Trường ĐH Yale (Mỹ), cảnh báo rằng dù hiếm đến đâu, chuyện bị tái mắc Covid-19 là có thật nên điều cần làm là tiếp tục đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, ngay cả đối với người hồi phục từ bệnh này.
Cũng theo các chuyên gia, vắc-xin phòng ngừa Covid-19 có thể đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn nguy cơ tái nhiễm. Dù vậy, nỗ lực tìm kiếm những đột phá y học nhằm nhanh chóng khống chế dịch bệnh này trúng một đòn mạnh sau khi 2 cuộc thử nghiệm lâm sàng bị ngưng tại Mỹ. Hãng dược Eli Lilly hôm 13-10 cho biết đã ngưng giai đoạn 3 của cuộc thử nghiệm lâm sàng phương pháp điều trị Covid-19 bằng kháng thể vì lý do an toàn.
Trước đó một ngày, hãng Johnson & Johnson thông báo buộc phải tạm dừng một cuộc thử nghiệm lớn đối với loại vắc-xin Covid-19 tiềm năng vì một tình nguyện viên bị bệnh. Theo trang Bloomberg, những diễn biến như thế có thể làm gia tăng nỗi lo cuộc đua tìm kiếm thuốc, vắc-xin Covid-19 đang diễn ra quá nhanh, nhất là khi các cơ quan quản lý và công ty dược phẩm đang đối mặt sức ép chính trị gia tăng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Bình luận (0)