Dù cuộc đàm phán hạt nhân đã có nhiều tiến triển trong năm qua nhưng sự bất đồng của các bên trong những vấn đề then chốt vẫn đang khiến các bên chưa thể đạt được thỏa thuận cuối cùng. Một đàm phán viên châu Âu nói rằng 6 cường quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc đều bày tỏ băn khoăn rằng chính quyền Obama đang phải chịu áp lực do lo ngại Quốc hội Mỹ hiện do Đảng Cộng hòa kiểm soát có thể sẽ phá hỏng bất kỳ thỏa thuận nào đạt được.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) gửi lời chia buồn đến phái đoàn Iran trên bàn đàm phán sau khi mẹ của Tổng thống Iran qua đời. Ảnh: Reuters
“Nghịch lý là hiện Quốc hội Mỹ và Israel lại đang gây áp lực cho người Mỹ, trong khi điều chúng ta cần làm là phải gây áp lực cho Iran”- vị đàm phán viên này cho hay. Trước khi tạm hoãn đàm phán, phái đoàn Iran đã trở về Tehran sau khi mẹ của Tổng thống Hassan Rouhani qua đời vào hôm 20-3 ở tuổi 90 và đây cũng được xem là nguyên nhân chủ yếu khiến đàm phán phải tạm ngưng.
Dù các chính trị gia và chuyên viên kỹ thuật đã họp hằng ngày để bàn thảo những lựa chọn có thể làm nền tảng cho thỏa thuận mà theo đó Iran có thể chấp nhận hạn chế phát triển hạt nhân trong ít nhất 10 năm và các lệnh trừng phạt lên Iran có thể dần dần được dỡ bỏ. Tuy nhiên, trong tuần qua, cuộc đàm phán vẫn chưa đạt được bước đột phá nào, chủ yếu do bất đồng giữa Mỹ và Pháp. Phía Pháp yêu cầu kéo dài thêm thời gian hạn chế hoạt động hạt nhân của Iran thay vì 10 năm, đồng thời phản bác việc dỡ bỏ quá nhanh chóng các lệnh trừng phạt với Iran một khi các bên đạt được thỏa thuận.
Trong khi đó, Iran vẫn một mực phủ nhận cáo buộc của phương Tây về việc họ đang nung nấu những tham vọng hạt nhân và yêu cầu những lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với họ được dỡ bỏ lập tức, kể cả những lệnh trừng phạt nhắm vào chương trình hạt nhân của họ.
Phái đoàn Iran bàn bạc với nhau bên ngoài khu vực diễn ra đàm phán. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lại cho rằng cuộc đàm phán tuần qua đã đạt được những bước tiến lạc quan. Ông Kerry khẳng định: “Chúng tôi sẽ trở lại vào tuần tới”, còn đàm phán viên Sergei Ryabkov của Nga cũng nói với hãng tin Reuters rằng ông đồng tình với đánh giá của ông Kerry.
Trong cuộc họp, ông Kerry cũng gửi lời chia buồn đến phái đoàn Iran về việc mẹ của nhà lãnh đạo Iran qua đời và gửi lời chúc mừng năm mới Norouz (Tết truyền thống của người Ba Tư) đến Iran. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng chuẩn bị sẵn một đoạn video gửi thông điệp chúc mừng năm mới đến lãnh đạo và nhân dân Iran, trong đó ông nói rằng năm mới này sẽ mở ra “những cơ hội tốt nhất trong nhiều thập kỷ qua” để cải thiện quan hệ giữa hai nước, nhưng hiện tại đàm phán hạt nhân vẫn còn những bất đồng.
Ngoại trưởng John Kerry trở về khách sạn sau buổi đàm phán hôm 20-3. Ảnh: Reuters
Cuộc đàm phán 6 bên sẽ được nối lại tại Thụy Sĩ vào 25-3, nghĩa là chỉ 5 ngày trước thời hạn phải đạt được một thỏa thuận khung. Phát ngôn viên của Mỹ, bà Marie Harf, cho biết: “Chúng tôi đã có một loạt những buổi đàm phán căng thẳng với Iran trong tuần qua và với tình hình thương thảo hiện tại, đã đến thời điểm quan trọng mà chúng tôi cần sự cố vấn cấp cao từ các đối tác. Do vậy, Ngoại trưởng Kerry sẽ đến châu Âu để gặp Ngoại trưởng Đức Steinmeier, Ngoại trưởng Anh Hammond và Ngoại trưởng Pháp Fabius để tiếp tục thảo luận về vấn đề Iran”.
Bình luận (0)