Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta hôm 2-12 cảnh báo rằng không có gì bảo đảm một cuộc không kích của Mỹ vào Iran sẽ đánh trúng các mục tiêu liên quan với chương trình hạt nhân của nước này. Đây là lần đầu tiên ông Panetta dường như thừa nhận rằng các cơ sở hạt nhân ngầm của Iran có thể vẫn an toàn trước các vụ không kích như thế.
Cơ sở làm giàu uranium Natanz ở phía Nam Tehran, Iran. Ảnh: Reuters
Phát biểu tại một sự kiện được Viện Brookings tổ chức ở Washington-Mỹ, ông Panetta cho biết: “Có dấu hiệu cho thấy rằng hành động quân sự tốt lắm cũng chỉ có thể trì hoãn chương trình hạt nhân của Iran trong 1-2 năm. Nó tùy thuộc vào khả năng thực sự đánh trúng những mục tiêu mà các cuộc không kích theo đuổi. Thành thật mà nói, một số mục tiêu rất khó bị đánh trúng”. Một số nhà phân tích quốc phòng từng chỉ ra rằng Iran đã tìm cách che giấu các cơ sở hạt nhân nhạy cảm và vật liệu hạt nhân dưới lòng đất, khiến việc tấn công những mục tiêu này trở thành một thách thức về quân sự.
Ngoài thách thức nói trên, theo hãng tin AFP, ông Panetta cũng lập lại quan điểm rằng một cuộc không kích nhằm vào Iran có thể làm chệch hướng nền kinh tế Mỹ và châu Âu, khiến tính mạng binh sĩ Mỹ gặp nguy hiểm và gây ra một vòng xoáy bạo lực khôn lường. Ông khuyến cáo: “Chúng ta phải suy xét cẩn thận về những hậu quả không tính trước được của một vụ tấn công như thế”.
Cũng liên quan đến tình hình Iran, các nhà ngoại giao nước này vừa bị Anh trục xuất đã về đến Tehran hôm 3-12. Ra sân bay đón các nhà ngoại giao trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast cảnh báo các nước châu Âu khác không gây rắc rối với Iran vì những vấn đề giữa Tehran và London. Hãng tin AFP cho biết khoảng 150 sinh viên cũng hô vang những khẩu hiệu lên án Anh khi họ xuất hiện tại sân bay để chào đón các nhà ngoại giao này.
Chính phủ Anh đã trục xuất các nhà ngoại giao trên để đáp trả vụ Đại sứ quán nước này ở Tehran bị những người biểu tình quá khích tấn công hôm 29-11. Vụ việc phần nào thể hiện sự giận dữ của Iran đối với các biện pháp trừng phạt mới của Anh nhằm vào lĩnh vực tài chính nước này. Để trả đũa, Quốc hội Iran đã bỏ phiếu thông qua việc hạ cấp quan hệ với Anh.
Trong khi đó, Pháp cho biết sẽ rút một số nhân viên sứ quán ở Iran về nước như một biện pháp an ninh ngăn ngừa. Động thái trên càng làm tăng thêm sức ép quốc tế đối với chính phủ Iran sau khi sứ quán Anh ở Tehran bị tấn công.
Bình luận (0)