Trong vụ tấn công nhắm vào một đồn cảnh sát ở khu tự trị Tân Cương - Trung Quốc chiều 16-11 (giờ địa phương), 9 kẻ tấn công đã bị bắn chết và 2 cảnh sát thiệt mạng cùng 2 cảnh sát bị thương. Vụ việc trên diễn ra tại huyện Ba Sở thuộc TP Kashgar. Theo nguồn tin từ cảnh sát, những người tấn công được trang bị dao và rìu. Tuy nhiên, Tân Hoa Xã không cung cấp chi tiết về vụ đụng độ đẫm máu này.
Vụ việc trên xảy ra đúng vào thời điểm căng thẳng cao độ ở Tân Cương sau “vụ tấn công khủng bố” gây chết người ở Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh vào tháng trước. Chính phủ Trung Quốc đổ lỗi vụ tấn công cho “các phần tử ly khai Duy Ngô Nhĩ” đến từ Tân Cương được hậu thuẫn bởi Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM). Cụ thể, ngày 28-10, 3 người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã lao xe vào đám đông ở Tử Cấm Thành, làm chết 2 người và 40 người bị thương.
Thực ra, đây không phải là vụ bạo lực đầu tiên mà tộc người này bị cáo buộc gây ra khiến nhiều người thiệt mạng và cơ sở vật chất bị hư hại. Ngày 26-6 năm nay, một nhóm người cầm dao, rựa đã tấn công đồn cảnh sát, tòa nhà chính quyền và các công trường xây dựng ở Thiện Thiện, Tân Cương khiến 35 người thiệt mạng - trong đó có 8 dân thường và 10 kẻ nổi loạn - và nhiều người bị thương. Nhiều xe cảnh sát cũng bị thiêu rụi. Có thể nói đây là vụ bạo lực tồi tệ nhất xảy ra ở Trung Quốc trong vòng 4 năm qua và được đánh giá là hành động tấn công khủng bố bạo lực. Ba kẻ gây ra vụ tấn công đẫm máu này đã bị tuyên án tử hình và 1 người khác bị kết án 25 năm tù giam.
Chỉ 2 ngày sau, hơn 100 kẻ bạo loạn lại tấn công một số người dân bằng vũ khí tại một số địa điểm tôn giáo nhưng nhà chức trách đã nhanh chóng kiểm soát được vụ việc. Trước đó, ngày 23-4, 21 người đã thiệt mạng trong một vụ đụng độ cũng tại huyện Ba Sở khi cảnh sát kiểm tra một ngôi nhà bị nghi chứa súng và chất nổ.
Bắc Kinh vẫn thường xuyên cáo buộc phong trào ETIM gây ra các vụ bạo lực ở Tân Cương. Truyền thông Trung Quốc gọi những vụ việc trên là tấn công khủng bố. Ngoài ra, 139 người đã bị bắt trong mấy tháng gần đây vì tuyên truyền hệ tư tưởng thánh chiến. Tuy nhiên, đài BBC nhận định ít người tin rằng ETIM có khả năng thực hiện bất kỳ hành động khủng bố nghiêm trọng nào ở Trung Quốc. Người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương cũng bác bỏ cáo buộc khủng bố và ly khai, đồng thời coi đó như một cái cớ để Bắc Kinh biện hộ cho những giới hạn về an ninh tại khu vực này.
Bình luận (0)