Gạt sang một bên những chính sách đối nội tranh cãi, điều dư luận quốc tế quan tâm lúc này là Tổng thống đắc cử Rodrigo Duterte sẽ xử lý ra sao mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ sau khi nhậm chức ngày 30-6 tới.
Về quan hệ với Trung Quốc, ông Duterte không giấu giếm ý định tìm kiếm hướng đi mới bằng cách chú trọng quan hệ kinh tế. “Không như Tổng thống đương nhiệm Benigno Aquino, ông Duterte sẵn sàng thăm dò những lĩnh vực khác, hợp tác kinh tế và phát triển chung” - ông Ramon Casiple, Giám đốc điều hành Viện Cải cách Chính trị và Bầu cử Philippines, đánh giá.
Vấn đề là, theo một số nhà phân tích, ông Duterte đang thiếu một chính sách rõ ràng về vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông, thể hiện qua những phát biểu như để ngỏ khả năng đàm phán song phương nhưng lại đòi Bắc Kinh trước tiên phải công nhận chủ quyền của Manila tại vùng biển tranh chấp, điều mà giới phân tích cho là “không tưởng”.
Ông Ian Storey, chuyên gia tại Viện ISEAS Yusof Ishak (Singapore), nhận định lập trường của ông Duterte về biển Đông là “phức tạp và mâu thuẫn”.
“Ông ấy đề nghị đàm phán đa phương với sự tham gia của Mỹ, Nhật, Úc dù biết rõ điều này sẽ bị Trung Quốc bác bỏ. Ông cũng cam kết bảo vệ chủ quyền ở biển Đông, thậm chí sẵn sàng hy sinh tính mạng, nhưng lại nói sẽ phớt lờ những động thái củng cố chủ quyền của Trung Quốc ở đó nếu Bắc Kinh chịu đầu tư vào các dự án đường sắt trên đảo Mindanao (nơi ông làm thị trưởng TP Davao trong hơn 20 năm qua). Vì thế, mọi người hoàn toàn không rõ “chính sách” của ông đối với vấn đề biển Đông là gì” - ông Storey nhận định với báo Nikkei (Nhật).
Người ta cũng đang chờ xem quan hệ đồng minh Philippines - Mỹ thay đổi theo chiều hướng nào. Dưới thời ông Aquino, những hoài nghi về ý đồ của Trung Quốc ở biển Đông thúc đẩy đa số người Philippines ủng hộ quan hệ gần gũi với Mỹ. Ngoài hiệp ước phòng thủ chung, Washington còn giúp Manila chống lại nhóm khủng bố Abu Sayyaf ở Mindanao.
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Duterte, việc Manila quá phụ thuộc vào Washington về an ninh có thể gây căng thẳng trong quan hệ với Bắc Kinh và thúc đẩy chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở miền Nam đất nước. Ông cũng không tin tưởng Mỹ sẽ tuân thủ hiệp ước phòng thủ chung nói trên nếu có chuyện bất trắc xảy ra với Philippines.
Vì thế, ông Richard Javad Heydarian, phó giáo sư khoa học chính trị tại Trường ĐH De La Salle ở Manila, cho rằng Philippines dưới sự lãnh đạo của ông Duterte dù tiếp tục là đồng minh thân cận của Mỹ nhưng sẽ chuyển sang hướng tiếp cận cân bằng hơn giữa Bắc Kinh và Washington.
Tương tự, bà Clarita Carlos, cựu giáo sư khoa học chính trị tại Trường ĐH Philippines, cho rằng ông Duterte không muốn làm phật lòng cả Mỹ và Trung Quốc. Điều này có nghĩa là Manila sẽ tìm kiếm sự bảo vệ an ninh từ Washington và những hợp tác kinh tế với Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông Heydarian cho rằng không dễ để ông Duterte “đi dây” như thế bởi thái độ chống Trung Quốc và ủng hộ Mỹ đang mạnh ở Philippines.
“Nếu Trung Quốc xây cơ sở trên bãi cạn Scarborough, ông Duterte sẽ khó thuyết phục người dân về bất kỳ thỏa thuận nào với Trung Quốc” - ông Heydarian nhận định với đài VOA.
Bình luận (0)