Chiếc thuyền chở hàng trăm người di cư kể trên lênh đênh trên biển suốt 2 tháng và gần đây bị thủy thủ đoàn bỏ rơi. Ngư dân Indonesia hôm 15-5 cứu được những người còn sống và đưa họ đến trại tị nạn ở TP Langsa, tỉnh Aceh. Nhiều người bị suy dinh dưỡng và mất nước.
Kể với đài BBC (Anh), họ cho biết thức ăn và nước uống trên thuyền sắp cạn kiệt. Ít nhất 100 người đã bỏ mạng sau khi một cuộc chiến tranh giành chỗ thực phẩm còn lại nổ ra. Các nạn nhân bị đâm, treo cổ hoặc bị ném xuống biển.
Ba trong số những người di cư sống sót nói với nhà chức trách Indonesia rằng họ muốn tới Malaysia nhưng bị hải quân nước này xua đuổi.
Hầu hết người Rohingya theo đạo Hồi phải chạy trốn khỏi Myanmar – nơi Phật giáo phát triển mạnh mẽ - vì chính phủ không công nhận họ là công dân. Trong khi đó, người Bangladesh chủ yếu là di dân kinh tế. Chính phủ Myanmar từ chối nhận trách nhiệm cuộc khủng hoảng di cư, dẫn đến việc chính phủ Indonesia đang phải tìm cách xử lý 700 người Rohingya và Bangladesh được giải cứu gần đây.
Sáng 17-5, ít nhất 5 con thuyền chở khoảng 1.000 người di cư thả neo ngoài khơi Myanmar. Do Thái Lan và Malaysia kiên quyết không cho người di cư bước chân lên lãnh thổ mình nên những kẻ buôn người đành đậu thuyền ngoài biển. Chúng không thả tự do cho các nạn nhân mà đòi gia đình trả tiền chuộc để đổi mạng người thân.
Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman hôm 17-5 tuyên bố ông hy vọng sẽ thảo luận về cuộc khủng hoảng người di cư với Myanmar trước khi “đưa lên cấp độ quốc tế”. Chính phủ nước này cho biết họ đã cưu mang 120.000 người di cư bất hợp pháp từ Myanmar và không muốn nhận thêm bất cứ người nào nữa.
Phó Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin yêu cầu Myanmar phải chịu trách nhiệm, không nên đổ gánh nặng cho các thành viên ASEAN. Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc lại kêu gọi các nước Đông Nam Á không nên xua đuổi người di cư vì họ đang chạy trốn cuộc đàn áp và đói nghèo ở quê nhà, giờ đây phải chịu thêm cảnh bệnh tật và đói khát trên biển.
Ước tính có khoảng 25.000 người Bangladesh và Rohingya bước lên thuyền của bọn buôn lậu trong 3 tháng đầu năm nay, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tuần trước cảnh báo Washington sẽ duy trì một số biện pháp trừng phạt đối với Myanmar. Phát ngôn viên Nhà Trắng Eric Schultz cho biết Washington ngày càng quan tâm đến vấn đề di dân Myanmar bởi cuộc khủng hoảng nhân đạo và kinh tế thảm khốc họ gặp phải ở quê nhà do bạo lực sắc tộc và tôn giáo gây ra.
Bình luận (0)