Hải quân Mỹ cho hay tàu Eisenhower đảm trách khu vực Vịnh Ba Tư đang trên đường đến Địa Trung Hải, nhưng không nói rõ mục đích và nhiệm vụ của tàu. Eisenhower cùng nhóm máy bay chiến đấu đã có mặt tại Vùng Vịnh từ tháng 3 đến nay.
Trong khi đó, tiếp sau Nga, Bộ Ngoại giao Syria ngày 14-6 tuyên bố Mỹ dối trá về việc sử dụng vũ khí hóa học để kiếm cớ can thiệp vào nước này. "Nhà Trắng dựa trên thông tin bịa đặt để đổ trách nhiệm cho chính phủ Syria, bất chấp hàng loạt tuyên bố đã được xác nhận rằng các nhóm khủng bố ở Syria có vũ khí hóa học" – bộ trên chỉ trích.
Ý định lập vùng cấm bay tại Syria của Mỹ bị Pháp hoài nghi. Ảnh: Reuters
Sĩ quan Syria "chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ"
Hãng thông tấn Anadolu cho biết 73 sĩ quan cấp cao của quân đội Syria, trong đó có 7 viên tướng và 20 sĩ quan cấp tá, đã cùng gia đình vượt biên giới sang "tìm kiếm tị nạn" tại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Anadolu, tổng cộng nhóm người trên có 202 người, đã tới thị trấn Reyhanli và được đưa vào một trại tị nạn của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền địa phương tại Reyhanli chưa xác nhận thông tin trên. |
Cố vấn hàng đầu về chính sách đối ngoại của tổng thống Nga Yury Ushakov cũng lên án quyết định viện trợ quân sự của Mỹ sẽ gây bất lợi cho sáng kiến hòa bình mới về cuộc khủng hoảng ở Syria do chính Mỹ và Nga đề xuất.
Ông Yury còn lặp lại một ý kiến trước đó rằng thông tin chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học là "không thuyết phục".
Cùng ngày 14-6, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon phản đối việc vũ trang cho bất cứ bên nào tại Syria. Ông phát biểu với báo giới: "Đường lối quân sự trực tiếp sẽ khiến Syria tan rã hơn nữa và càng làm cho khu vực thêm bất ổn với căng thẳng sắc tộc và tôn giáo không ngừng leo thang".
Về thông tin Mỹ định lập vùng cấm bay có giới hạn ở Syria, có thể giáp với biên giới Jordan, Pháp cho rằng khó thực hiện điều này vào thời điểm hiện nay vì sẽ vấp phải sự phản đối của một số thành viên trong Hội đồng Bảo an.
Còn Đức, tuy “lưu ý và tôn trọng” tuyên bố viện trợ quân sự cho phe đối lập Syria của Mỹ nhưng tái khẳng định sẽ không bao giờ chuyển vũ khí đến Syria nữa. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Andreas Peschke cho hay Đức sẽ kiên trì lập trường trên ngay cả trong trường hợp chính quyền Damascus thực sự sử dụng vũ khí hóa học như cáo buộc của Mỹ, Anh và Pháp.
Nga và Syria cho rằng Mỹ bịa đặt về thông tin vũ khí hóa học. Ảnh: BBC
Cũng trong ngày 14-6, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah tuyên bố phong trào này sẽ tiếp tục tham chiến ở Syria. Phát biểu trên truyền hình, ông Nasrallah nói: "Nơi nào cần, chúng tôi sẽ có mặt. Nơi nào chúng tôi đã nhận trách nhiệm, chúng tôi sẽ tiếp tục".
Trong khi đó, ông Ismail Haneya, thủ tướng của chính phủ Hamas hiện đang kiểm soát Dải Gaza, phủ nhận việc có chiến binh Hamas chiến đấu cùng hàng ngũ với quân nổi dậy Syria. Ông Haneya nói: "Điều mà một số phương tiện truyền thông Ả Rập cho rằng có những chiến binh Hamas đang chiến đấu ở Syria hoặc ở nơi nào đó trên thế giới là hoàn toàn sai sự thực, song chúng tôi lên án sự bạo tàn của chế độ Syria đối với người dân nước này".
Bình luận (0)