Cơ quan Quốc phòng Đài Loan hôm 26-12 cho biết một nhóm tàu chiến Trung Quốc do tàu sân bay Liêu Ninh dẫn đầu đã đi qua vùng biển phía Nam hòn đảo này và đang hướng về phía Tây Nam.
Theo cơ quan này, tàu sân bay Liêu Ninh cùng với 5 tàu khác di chuyển cách điểm cực Nam của Đài Loan khoảng 90 hải lý về phía Nam qua eo biển Bashi ở giữa hòn đảo này và Philippines.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Ông Chen Chung-chi, phát ngôn viên Cơ quan Quốc phòng Đài Loan, cho biết hòn đảo này tiếp tục theo sát tình hình.
Trong khi đó, ông Johnny Chiang, nghị sĩ đảng Dân tộc đối lập, cho rằng hoạt động diễn tập của nhóm tàu sân bay Liêu Ninh là thông điệp mà Trung Quốc gửi đến Mỹ: Bắc Kinh có khả năng xuyên qua “chuỗi đảo thứ nhất”, khu vực bao gồm quần đảo Ryukyu của Nhật Bản và Đài Loan.
Đối với cuộc diễn tập của tàu sân bay Liêu Ninh ở Tây Thái Bình Dương này, tờ Thời báo Hoàn Cầu mạnh miệng nói Liêu Ninh đã cải thiện khả năng chiến đấu và có thể di chuyển xa hơn. Theo tờ báo, hạm đội Trung Quốc sớm muộn gì cũng sẽ đến Đông Thái Bình Dương. "Khi hạm đội tàu sân bay của Trung Quốc xuất hiện ngoài khơi nước Mỹ vào một ngày nào đó, nguyên tắc hàng hải sẽ được xem xét lại một cách nghiêm túc" - Thời báo Hoàn cầu lớn tiếng.
Cùng ngày 26-12, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói việc tàu sân bay Liêu Ninh di chuyển ở Thái Bình Dương cho thấy Trung Quốc đang tăng cường khả năng quân sự và Tokyo tiếp tục theo sát tình hình.
Trước đó, vào cuối ngày 25-12, Nhật Bản phát hiện 6 tàu hải quân Trung Quốc, bao gồm LIêu Ninh, di chuyển qua đảo Miyako và Okinawa của nước này để ra Thái Bình Dương.
Tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển Nhật Bản
Ngày 26-12, 3 tàu tuần tra Trung Quốc đã đi vào lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Các tàu này tuần tra ngoài khơi đảo Uotsuri thuộc quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư khoảng hơn 10 giờ 30 phút (giờ địa phương) và rời khỏi vùng biển Nhật Bản khoảng một giờ sau đó.
Đây là ngày thứ 36 trong năm nay tàu của chính quyền Trung Quốc đi vào lãnh hải Nhật Bản. Lần xâm phạm gần đây nhất là vào ngày 11-12. Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã phản đối về sự xâm phạm nói trên với Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo.
Bình luận (0)