Người phát ngôn quân đội Ai Cập, Thiếu tướng Mohammed Samir, cho biết một số đồ dùng cá nhân của hành khách cũng được tìm thấy và lực lượng tìm kiếm đang nỗ lực tìm ra hộp đen máy bay.
Trong khi đó, Văn phòng của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi phát tuyên bố cho biết không có ai trong số 66 người trên chuyến bay mang số hiệu MS804 sống sót. Ông al-Sisi cùng ngày yêu cầu tăng cường cuộc tìm kiếm quy mô lớn do Ai Cập dẫn đầu với sự trợ giúp của Hy Lạp, Pháp, Anh và Mỹ ở khu vực gần đảo Karpathos của Hy Lạp.
Nói về nguyên nhân khiến chiếc Airbus A320 đột ngột biến mất khỏi màn hình radar trong hành trình từ Paris - Pháp về Cairo - Ai Cập hôm 19-5, Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Ai Cập Sherif Fathi cho rằng khả năng tấn công khủng bố dường như cao hơn lỗi kỹ thuật.
Giới chức tình báo Nga thậm chí còn gọi đây là một vụ tấn công tàn độc. Các chuyên gia an ninh và giới chức điều tra tai nạn hàng không cũng nghiêng về kịch bản chuyến bay bị khủng bố.
Cả 2 ứng viên tổng thống Mỹ hàng đầu - tỉ phú Donald Trump và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton - cũng tin vào khả năng máy bay bị tấn công. Bà Clinton cho rằng thảm họa rơi máy bay mới nhất này “một lần nữa soi rọi ánh sáng vào những đe dọa mà chúng ta phải đối mặt từ các nhóm khủng bố có tổ chức”. Còn ông Trump nhấn mạnh: “Chúng ta còn đợi đến bao giờ mới cứng rắn, sáng suốt và thận trọng (với khủng bố)”.
Trong khi đó, đài BBC lưu ý còn nhiều bí ẩn chưa được giải đáp, ví dụ vụ máy bay đột ngột chệch hướng và mất độ cao có thể là hậu quả của một trận chiến trong buồng lái hoặc một nỗ lực nhằm giành lại quyền kiểm soát máy bay. Ngoài ra, khoảng thời gian 12 phút - kể từ khi phi hành đoàn không trả lời không lưu đến khi máy bay biến mất khỏi radar - cũng là câu hỏi lớn.
Giới phân tích cho rằng nếu thực sự MS804 bị tấn công khủng bố thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng không chỉ đối với Ai Cập mà còn cả hàng không toàn cầu.
Thảm kịch này xảy ra chỉ 7 tháng sau vụ chiếc máy bay của Nga bị đánh bom trên bầu trời bán đảo Sinai, cũng ở Ai Cập, khiến 224 người thiệt mạng. Chi nhánh của nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Sinai đã tuyên bố nhận trách nhiệm. Vụ khủng bố gây chấn động toàn cầu nhưng người ta cũng chỉ ra Sharm el-Sheikh thực tế là một sân bay nhỏ tọa lạc khu vực đầy bất ổn và đã mang tiếng xấu về an ninh lỏng lẻo.
Trái lại, MS804 cất cánh từ Charles de Gaulle ở Paris - một sân bay có lưu lượng giao thông cao gấp 8 lần với hệ thống kiểm tra hiện đại hơn nhiều cũng như an ninh được tăng cường gắt gao sau các vụ tấn công tại Paris hồi năm ngoái.
Một hệ thống chặt chẽ như vậy bị chọc thủng hẳn sẽ là đòn khó chịu đối với hàng không châu Âu. Vẫn chưa có quả bom nào lên được máy bay cất cánh từ châu Âu kể từ vụ âm mưu đánh bom quần lót năm 2009 của tên khủng bố Umar Farouk Abdulmutallab trên chuyến bay từ TP Amsterdam - Hà Lan đến TP Detroit - Mỹ.
Tờ Telegraph (Anh) cảnh báo vụ rơi máy bay EgyptAir có thể báo hiệu một bước ngoặt mới đáng lo ngại trong cuộc chiến chống khủng bố nếu những nhận định trên là thật.
Bình luận (0)