Theo báo Bangkok Post, họ còn đề nghị lập Chiang Mai làm thủ đô thay thế. Ông Petchawat Wattanapongsirikul, một thủ lĩnh “Áo đỏ”, cho biết: “Nếu chính phủ không thể làm việc ở Bangkok thì Chiang Mai sẵn sàng trở thành nơi đặt trụ sở mới. Chúng tôi có thể phái 5.000-6.000 người bảo vệ nội các”.
Đề nghị trên được đưa ra giữa lúc văn phòng tạm thời của bà Yingluck tại trụ sở của Bộ Quốc phòng ở Muang Thong Thani, phía Bắc Bangkok, bị cả người biểu tình lẫn khoảng 150 máy xúc của nông dân bao vây.
Người biểu tình tập trung trước văn phòng tạm thời của Thủ tướng Yingluck Shinawatra
tại Bộ Quốc phòng Thái Lan Ảnh: REUTERS
Dự định trở lại văn phòng chính thức trong ngày 19-2 của nữ thủ tướng cũng không thành khi hàng chục ngàn người biểu tình đã tái chiếm các đoạn đường chính bên ngoài tòa nhà chính phủ. Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban cũng đe dọa phái người bám sát gót bà Yingluck.
Cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Thái Lan Paradorn Pattanathabutr cho biết cảnh sát sẽ không tiếp tục nỗ lực kiểm soát các điểm biểu tình mà tập trung bảo vệ bà Yingluck.
Các cuộc đụng độ hôm 18-2 đã khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và hơn 70 người bị thương. Ông Chalerm Yubamrung, Giám đốc Trung tâm Duy trì Hòa bình và Trật tự (CMPO), quả quyết có “bên thứ ba” dính líu vào vụ đụng độ đẫm máu nhất tại cầu Phan Fah.
Trong một diễn biến khác, Chủ tịch Ngân hàng Tiết kiệm Chính phủ (GSB) Woravit Chailimpamontri đã đệ đơn từ chức do áp lực về quyết định cho chương trình lúa gạo của chính phủ vay 5 tỉ baht.
Bình luận (0)