Không lâu sau, một nguồn tin của Hội đồng Quốc gia vì hòa bình và trật tự (NCPO) xác nhận ông Sombat bị bắt ở tỉnh Chon Buri trong một hoạt động phối hợp giữa binh sĩ và cảnh sát. Theo trang web của nhật báo Thái Lan Khao Sod, ông này bị Cơ quan Tình báo Quốc gia lần ra dấu vết ở trên mạng. Nhân đó, chính quyền quân sự cảnh báo họ giám sát chặt chẽ các hoạt động trực tuyến và có kế hoạch mở rộng khả năng giám sát.
Nhà hoạt động “áo Đỏ” này bất chấp yêu cầu trình diện của NCPO và lẩn trốn. Trong khoản thời gian ẩn mình, ông làm việc trực tuyến để tổ chức và hỗ trợ cuộc biểu tình chống đảo chính tại thủ đô Bangkok. Ông Sombat là một trong những người đầu tiên tổ chức biểu tình phản đối cuộc đảo chính trước đây, vốn lật đổ chính quyền của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra vào năm 2006. Là một thành viên cốt cán của nhóm “Chủ nhật đỏ”, ông thách thức NCPO vào ngày 23-5 rằng “bắt tôi nếu quý vị có thể” sau khi được lệnh trình diện quân đội.
Khoảng 15 nhà lãnh đạo chính trị Thái Lan đã phối hợp với chính phủ bị lật đổ lên kế hoạch thiết lập một phong trào bên ngoài Thái Lan, dẫn đầu một chiến dịch bất tuân dân sự trước sự nắm quyền của quân đội, hai thành viên của nhóm chính trị gia cho biết. Theo hãng tin Reuters, từ khi Tư lệnh Lục quân Thái Lan Prayuth Chan-ocha nắm quyền ngày 22-5, đã có một chiến dịch đàn áp bất đồng chính kiến, bóp nghẹt và buộc lực lượng “áo Đỏ” ủng hộ cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra và anh trai bà - Thaksin Shinawatra phải im lặng.
Trong một diễn biến khác, Thái Lan đang cân nhắc liệu có nên rút ngắn giờ giới nghiêm lúc World Cup bắt đầu vào tuần tới. Người phát ngôn quân đội, Đại tá Winthai Suvari, cho biết chính quyền đã cố gắng để điều chỉnh giờ giới nghiêm nhưng mối quan tâm hàng đầu vẫn là vấn đề an ninh. Ngoài ra, NCPO cũng xem xét thả lỏng giờ giới nghiêm ở các địa điểm nhiều khách du lịch.
Bình luận (0)