“Tình trạng thiết quân luật không cần thiết nữa. Nhà vua đã cho phép dỡ bỏ thiết quân luật từ ngày 1-4”, theo thông cáo hoàng gia được đọc trên truyền hình quốc gia.
Tuy nhiên, thay cho thiết quân luật là Điều 44 trong hiến pháp hiện hành được chính quyền quân đội soạn thảo. Điều 44 cho phép Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, với tư cách người đứng đầu Hội đồng Hòa bình và trật tự quốc gia, được ra bất cứ mệnh lệnh nào dưới danh nghĩa an ninh quốc gia cũng như thực thi quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp.
Bằng điều luật trên, chính quyền quân sự cho thể bắt giữ không cần lệnh bắt của tòa án và giam giữ trong vòng 7 ngày mà không cần cáo buộc. Lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên ở nơi công cộng có thể vẫn được duy trì dù thiết quân luật dỡ bỏ.
Tình trạng thiết quân luật gặp phải phản ứng của giới doanh nghiệp Thái Lan vì ảnh hưởng nặng nề tới ngành du lịch nước này. Tuy nhiên, thay thiết quân luật bằng Điều luật 44 vẫn duy trì quyền lực cho quân đội. “Ông Prayuth đang có quyền lực tối cao, có thể ra lệnh cho ai đó làm hoặc không làm điều gì” – ông Sunai Phasuk, nhà nghiên cứu cao cấp của Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) tại Thái Lan, nhận xét.
Mỹ đã lên tiếng hoan nghênh việc Thái Lan dỡ bỏ thiết quân luật song bày tỏ lo ngại rằng với Điều luật 44, chính phủ hiện nay của nước này không thể đáp ứng nhu cầu tự do ngôn luận và hội họp hòa bình.
Sau cuộc đảo chính ngày 22-5, lật đổ chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra, Tư lệnh Lục quân Prayuth nghỉ hưu khỏi quân đội và trở thành thủ tướng. Đây là cuộc đảo chính thứ 12 của Thái Lan trong 82 năm qua.
Bình luận (0)