Giải Nobel Vật lý 2015 đã được trao cho 2 nhà khoa học Takaaki Kajita (người Nhật Bản) và Arthur B. McDonald (người Canada) hôm 6-10 vì khám phá hạt neutrino có khối lượng, giúp mang đến những hiểu biết quan trọng và chuyên sâu hơn về thế giới bí hiểm của hạt neutrino.
Theo đánh giá của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, công trình trên đã làm thay đổi sự hiểu biết của con người về “hoạt động ở tận trong cùng của vật chất, đồng thời có thể đóng vai trò quan trọng đối với quan điểm của chúng ta về vũ trụ”.
Neutrino là hạt sơ cấp có số lượng nhiều thứ 2 trong toàn bộ vũ trụ, chỉ sau hạt photon (quang tử). Sự tồn tại của neutrino được dự báo vào năm 1930 nhưng trong nhiều thế kỷ qua, nó vẫn là một trong những hạt sơ cấp bí ẩn nhất. Loại hạt này không mang điện tích và nhẹ đến nỗi trong thời gian dài, các nhà vật lý cho rằng nó không có khối lượng. Ngoài ra, hạt neutrino còn hiếm khi tương tác với thứ gì khác, khiến cho việc nghiên cứu về nó gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, đến năm 1998, nhóm của tiến sĩ Kajita thông báo đã phát hiện sự tồn tại của khối lượng trong hạt neutrino. Một năm sau đó, tiến sĩ McDonald thông báo đã “tóm” được những hạt neutrino đầu tiên nhờ một máy dò cực kỳ nhạy cảm nằm sâu dưới 2.072 m dưới mặt đất ở Đài quan sát Neutrino Sudbury thuộc Trường ĐH Queen tại TP Kingston, tỉnh Ontario - Canada.
Theo báo The New York Times (Mỹ), cả 2 nhà khoa học đều quan sát thấy neutrino có thể dao động, biến đổi từ dạng thái này sang dạng thái khác, qua đó cho thấy nó có khối lượng. Tổng cộng, họ đã nhận biết được 3 dạng thái khác nhau của neutrino.
Các nhà khoa học cho biết vũ trũ hiện tràn ngập các hạt neutrino còn sót lại sau vụ nổ Big Bang. Ngoài ra, nhiều hạt nữa được tạo ra trong các phản ứng hạt nhân trên trái đất và trong các phản ứng nhiệt hạch của mặt trời. Việc khám phá neutrino có khối lượng đã giúp các nhà vũ trụ học hiểu rõ hơn về sự tiến hóa của vũ trụ và hoạt động của mặt trời. Ngoài ra, công trình còn có thể giúp các nhà nghiên cứu cải thiện nỗ lực tạo ra lò phản ứng nhiệt hạch trên trái đất.
Nhà khoa học Takaaki Kajita (56 tuổi) - hiện là Giám đốc Viện Nghiên cứu tia vũ trụ, đồng thời là giáo sư tại Trường ĐH Tokyo (Nhật Bản). Trong khi đó, ông Arthur B. McDonald (72 tuổi) - hiện là giáo sư danh dự tại Trường ĐH Queen. Hai nhà khoa học trên sẽ chia đôi phần thưởng trị giá khoảng 960.000 USD.
Trả lời phỏng vấn giới truyền thông sau khi giải Nobel Vật lý được công bố, ông McDonald cho biết có nhiều đồng nghiệp khác xứng đáng chia sẻ giải thưởng này với mình. Theo ông, công trình của ông là một “sự cộng tác rất thân thiện” và cần nhiều năm để hoàn thành nó. Trong khi đó, ông Kajita cho biết việc được trao giải Nobel danh giá là “điều không thể tin được” dù nghĩ rằng khám phá của mình có tầm quan trọng vì nó đi ngược lại những giả thuyết trước đó. n
Bình luận (0)