Đó là nội dung bản báo cáo được Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI-Anh) công bố hôm 29-10.
Bản báo cáo trên được đưa ra vào thời điểm nhiều cuộc xung đột quân sự đang diễn ra trong khu vực, trong đó có cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria, cuộc nội chiến Syria, tình trạng hỗn loạn ở Libya và chiến dịch không kích do Ả Rập Saudi khởi xướng chống lại quân nổi dậy theo dòng Shiite ở Yemen.
Tất cả xung đột nêu trên đẩy ngân sách quốc phòng tăng cao. Năm 2014, theo hãng tin AP, 17 quốc gia ở khu vực (không tính Israel và Palestine) chi hơn 135 tỉ USD cho quân đội.
Trừ Jordan và Tunisia, những quốc gia còn lại không cung cấp thông tin về chi tiêu quân sự hoặc chỉ công bố những con số mơ hồ. Chẳng hạn ở Ai Cập, ngân sách quốc phòng - ước tính 4,4 tỉ USD - là một bí mật quốc gia trong khi quân đội có các tài khoản ngân hàng riêng và không hề bị giám sát.
Trong khi tích cực mua vũ khí hỗ trợ các đồng minh, Ả Rập Saudi mua những loại vũ khí giống nhau từ những quốc gia khác nhau. Ngay cả một thành viên Hoàng gia Ả Rập Saudi cũng có thể mua vũ khí và điều đó càng làm gia tăng tình trạng hỗn loạn và nguy cơ tham nhũng.
Theo báo The Guardian (Anh), nguy cơ tham nhũng ở Ả Rập Saudi, Jordan và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất được xếp ở mức rất cao. Qatar, Kuwait, Iraq, Iran, Syria, Oman và Bahrain cũng có nguy cơ tham nhũng bởi các cơ quan an ninh, quốc phòng của họ thiếu minh bạch nhưng lại không có trách nhiệm giải trình.
“Tình trạng tham nhũng đang thực sự hủy hoại tính hợp pháp của các cơ quan quốc phòng” - bà Katherine Dixon, Giám đốc chương trình quốc phòng và an ninh của TI, khẳng định.
Theo bà, IS và các nhóm phiến quân khác có thể lợi dụng tệ nạn tham nhũng để tuyên truyền khiến cho công chúng bất mãn chính phủ. Theo thời gian, nguy cơ bất ổn leo thang khi người dân mất niềm tin vào chính quyền. Vì thế, có thể nói tình trạng tham nhũng có tác động to lớn đến sự gia tăng của khủng bố.
Bình luận (0)