Trong số những thách thức đang đối mặt, ông Ghani đặc biệt xem tham nhũng là mối nguy khôn lường khi ví von nó như căn bệnh ung thư đe dọa sự sống còn của chính quyền.
Để đối phó, nhà lãnh đạo này vừa đưa ra lời kêu gọi “thánh chiến”chống tham nhũng, trong đó nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của giáo dục. Trước mắt, chính phủ của ông đã thực hiện một số “biện pháp cơ bản” để dẹp tham nhũng, như không phê chuẩn 28 hợp đồng gần đây vì vi phạm luật mua sắm công.
Ngoài ra, theo báo The Washington Post, nhà chức trách còn tăng cường đầu tư vào nông nghiệp vì phần lớn người dân đang sống nhờ đất đai.
Dựa trên những cuộc khảo sát các chuyên gia và doanh nghiệp, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đánh giá Afghanistan là một trong những nước có nạn tham nhũng nghiêm trọng nhất thế giới - xếp hạng 172/175 về Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) hồi năm ngoái. Giới phân tích nhận định chính “căn bệnh” này khiến cộng đồng quốc tế gặp khó trong việc mang lại sự ổn định cho Afghanistan thời gian qua cũng như khiến chính quyền thêm bất ổn và suy yếu.
“Điều đáng tiếc là tham nhũng không còn bị xem là điều cấm kỵ trong xã hội Afghanistan. Vì thế, một giải pháp nhiều mặt là cần thiết để kiềm chế và kiểm soát tham nhũng” - ông Haroun Mir, nhà sáng lập Trung tâm Nghiên cứu chính sách của Afghanistan (ACRPS), nhận định.
Tổng Thanh tra đặc biệt về tái thiết Afghanistan (SIGAR), một cơ quan do quốc hội Mỹ bổ nhiệm, cũng cảnh báo nếu Kabul không mạnh tay với tham nhũng, mọi tiến triển đạt được trong quá trình tái thiết cho đến giờ sẽ trở thành công cốc. Với gần 110 tỉ USD dành để vực dậy Afghanistan, Washington đang lo khoản tiền này có thể trở thành miếng mồi ngon cho các quan tham ở nước này.
Bình luận (0)