Tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đạt được một số tiến triển trong năm 2014 khi có thêm một số nước chấp nhận thanh toán bằng NDT và hoán đổi tiền tệ, như Canada, Đức, Hàn Quốc...
Sẽ là đồng tiền quốc tế lớn thứ ba?
Đáng chú ý là vào cuối tháng 9-2014, Trung Quốc bắt đầu cho phép giao dịch trực tiếp giữa NDT và euro. Bên cạnh đó, vai trò của NDT như một đồng tiền đầu tư cũng gia tăng. Nhật báo China Daily cho biết trong 9 tháng đầu năm 2014, khoảng 28% giao dịch chứng khoán bằng NDT được thực hiện thành công bên ngoài Trung Quốc và Hồng Kông, tăng 12% so với cùng kỳ 2 năm trước.
Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và Tài chính quốc tế (SWIFT), NDT đang là đồng tiền được giao dịch nhiều thứ 7 trên thế giới, chiếm 1,72% tổng thanh toán toàn cầu. Hiện có hơn 1.500 tổ chức tài chính tại 90 nước giao dịch bằng NDT.
Một báo cáo hồi năm ngoái của Trường ĐH Nhân dân Trung Quốc dự báo NDT sẽ trở thành đồng tiền quốc tế lớn thứ ba trong vòng 3-5 năm tới, chỉ sau USD và euro. “Thanh toán, ngoại hối và tài chính thương mại là những thị trường cần chú ý để biết được sự quốc tế hóa NDT tăng trưởng đến đâu” - ông Alex Medana, Giám đốc phụ trách thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương tại SWIFT, nhận định.
SWIFT cho rằng quá trình quốc tế hóa NDT có thể diễn ra trong 3 giai đoạn: biến NDT thành đồng tiền giao dịch, đồng tiền đầu tư và đồng tiền dự trữ.
Quá trình này bắt đầu ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2007-2009 và tăng tốc trong năm 2009, thời điểm Bắc Kinh cho phép các định chế tài chính ở Hồng Kông phát hành trái phiếu “dim sum” (trái phiếu Trung Quốc có mệnh giá NDT), đồng thời mở rộng thí điểm việc giao dịch xuyên biên giới bằng đồng NDT.
Cũng vào năm này, Trung Quốc bắt đầu ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với các nước và tính đến tháng 7-2014, đã có 28 thỏa thuận được ký kết với tổng giá trị lên đến 3.000 tỉ NDT (488 tỉ USD). Ngoài ra, Bắc Kinh còn cho mở 11 chi nhánh ngân hàng thanh toán giao dịch NDT ở nước ngoài cũng như tăng cường tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với NDT trong những năm qua.
Còn lâu mới tới đích
Theo giới phân tích, những kết quả trên cho thấy Trung Quốc bước đầu đã thành công trong việc mở rộng vai trò của NDT với hy vọng thúc đẩy vị thế, ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, báo cáo gần đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định sự phát triển nhanh chóng của thị trường NDT ở nước ngoài có thể dẫn đến 2 loại rủi ro chính: rủi ro phát triển thị trường và rủi ro ổn định tài chính. Chẳng hạn, theo IMF, thị trường tài chính Trung Quốc có thể không chịu đựng nổi dòng vốn NDT lớn chảy ngược trở lại do thiếu độ sâu và các sản phẩm đa dạng. Ngoài ra, các dòng vốn nước ngoài ngắn hạn chảy vào nước này có thể gây thêm các cú sốc cho giá tài sản.
Ông Trương Chí Vĩ, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Ngân hàng Deutsche Bank, cho rằng một trong những rào cản lớn nhất trên con đường quốc tế hóa NDT là vấn đề tự do hóa tài khoản vốn, đe dọa làm gia tăng sự biến động của dòng vốn. Tuy nhiên, ông Trương cho rằng có nhiều công cụ để xử lý nguy cơ này.
Một vấn đề khác, theo ông Trần Vũ Lộ, Hiệu trưởng Trường ĐH Nhân Dân và là thành viên Ủy ban Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, các thể chế tài chính Trung Quốc hiện vẫn dựa chủ yếu vào hoạt động kinh doanh truyền thống tại thị trường NDT ở nước ngoài, như thanh toán thương mại và nhận tiền gửi.
Trong khi đó, tạp chí Der Spiegel (Đức) từng lo ngại Trung Quốc tìm cách ép các nước dự trữ NDT trong nỗ lực hình thành “sự bá quyền về kinh tế”. Tuy nhiên, tạp chí này đánh giá Bắc Kinh khó trở thành nền kinh tế thống trị thế giới chừng nào vẫn giữ giá trị NDT ở mức thấp.
Bình luận (0)