Theo thông tin từ JCS, người lính đi qua giới tuyến quân sự ở khu vực phía Đông của đường biên giới vào khoảng 10 giờ ngày 29-9 (theo giờ địa phương). Người này không mang theo vũ khí và cũng không xảy ra vụ nổ súng nào. JCS cho hay hiện thẩm vấn người này về cách thức và lý do đào tẩu.
Trung bình có hơn 1.000 người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc mỗi năm, hầu hết là đi qua Trung Quốc.
Như vậy có thể thấy rằng việc một người Triều Tiên đào tẩu qua khu vực DMZ là bất thường vì khu vực này được gài mìn, căng dây thép gai và có quân đội 2 bên canh phòng dày đặc. Vụ đào tẩu như vậy diễn ra lần gần đây nhất là vào tháng 6-2015.
Khu vực phi quân sự được gài mìn, căng dây thép gai và có quân đội 2 bên canh phòng dày đặc. Ảnh: AP
Vụ đào tẩu của người lính nói trên xảy ra sau một loạt vụ đào tẩu của các quan chức cấp cao khiến chính quyền Triều Tiên nổi giận.
Cuộc đào tẩu nổi cộm có thể kể đến là trường hợp của ông Thae Yong-ho, phó đại sứ Triều Tiên tại Anh, hồi tháng trước. Ông này hiện là quan chức ngoại giao cấp cao nhất trốn sang Hàn Quốc. Đây trở thành nỗi xấu hổ cho chính quyền lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Tháng 4, 12 nữ phục vụ tại một nhà hàng Triều Tiên ở Trung Quốc bỏ trốn sang Hàn Quốc cùng quản lý của họ. Truyền thông cũng đưa tin một thiếu niên Triều Tiên - được ca ngợi là thần đồng toán học - khi tham gia cuộc thi toán tại Hồng Kông hồi tháng 7 đã tới xin tị nạn tại lãnh sự quán Hàn Quốc. Phía Hàn Quốc từ chối xác nhận hay bình luận về thông tin này.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 4 hồi đầu năm, tiếp đó thực hiện nhiều đợt thử tên lửa và thử tiếp hạt nhân lần năm.
Trong bối cảnh đó, Mỹ đang điều tra một loạt doanh nghiệp Trung Quốc bị nghi ngờ vi phạm lệnh trừng phạt Triều Tiên, các ngân hàng và công ty Trung Quốc cần hiểu rằng thỏa thuận làm ăn với Triều Tiên là nguy hiểm. Đó là thông tin do điều phối viên chính sách trừng phạt thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Daniel Fried đưa ra trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ hôm 28-9.
Trước đó, ngày 26-9, Mỹ thông báo trừng phạt công ty Hồng Tường Đan Đông (Hongxiang Dandong) của Trung Quốc và 4 lãnh đạo công ty này vì lập các công ty bình phong hỗ trợ chương trình phổ biến vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Bình luận (0)