Cơ quan Tổng thanh tra đặc biệt của Chương trình tái thiết Afghanistan (SIGAR) nói rằng Mỹ có những kỳ vọng phi thực tế để ổn định Afghanistan trong thời gian biểu ngắn.
Ngoài ra, theo SIGAR, chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama thiếu ý chí chính trị cho nỗ lực bình ổn Afghanistan trong lúc một số bước đị lại tỏ ra phản tác dụng.
Tóm lại, Giám đốc SIGAR John Sopko đánh giá kế hoạch tái thiết Afghanistan của Mỹ từ năm 2002-2017 gần như thất bại.
Vào năm 2003, Mỹ khởi động một chiến lược trong đó quân đội nước này sẽ chiếm đóng, quản lý một khu vực, sau đó xây dựng các thể chế tại đây.
Nhưng chiến lược này tỏ ra không hiệu quả vì quân đội Mỹ ban đầu tập trung vào các quận có nguy cơ cao và an ninh kém nhất, dẫn đến việc chuyển sang giai đoạn xây dựng gặp nhiều khó khăn. Các cơ quan dân sự Mỹ buộc phải tiến hành chương trình tái thiết ở các quận có nguy cơ cao và chưa sẵn sàng cho tái thiết.
Quân đội Afghanistan huấn luyện tại trại quân sự Shorab ở tỉnh Helmand - Afghanistan vào ngày 27-8-2017. Ảnh: AP
Nỗ lực giúp chính quyền Afghanistan gia tăng sự kiểm soát cũng tạo điều kiện cho nạn tham nhũng nảy nở. Đến năm 2008, tình hình an ninh ở phần lớn lãnh thổ Afghanistan trở nên xấu đi và quân nổi dậy bắt đầu hoành hành.
Bắt đầu từ năm 2009, Washington tìm cách đảo ngược tình hình. Đồng thời, Bộ Ngoại giao và quân đội Mỹ cũng dự tính rút lực lượng khỏi Afghanistan vào năm 2011 và năm 2014, chính phủ Afghanistan sẽ nắm quyền kiểm soát an ninh trên cả nước.
Trong hai năm 2009 và 2010, chính quyền Obama cam kết gửi hơn 50.000 quân nhân để "dọn dẹp" những khu vực nguy hiểm nhất ở Afghanistan, tiếp đến cử hàng trăm nhân viên dân sự đến giúp xây dựng lại các khu vực bị chiến tranh tàn phá. Kế hoạch tăng quân được giới hạn trong 18 tháng.
SIGAR cho biết Mỹ đã đổ thêm tiền vào Afghanistan với hy vọng bù đắp cho việc thiếu thời gian nhưng lại khiến xung đột thêm trầm trọng, tiếp tay cho tham nhũng và thúc đẩy sự ủng hộ dành cho phe nổi dậy.
Một giải pháp khác là xây dựng Lực lượng cảnh sát địa phương Afghanistan (ALP). Tuy nhiên, số lượng thành viên ALP tăng vọt từ 6.500 người vào năm 2011 lên 24.000 người vào năm 2013, dẫn đến chỉ trích quá trình kiểm tra lý lịch không nghiêm ngặt.
Nhìn chung, báo cáo chỉ trích chính phủ Mỹ đã đánh giá quá cao khả năng của mình trong việc xây dựng và cải cách các tổ chức chính phủ Afghanistan, cũng như không điều chỉnh các chương trình để phù hợp với tình hình quốc gia Nam Á này.
Bình luận (0)