xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thế giới đối mặt khủng hoảng lương thực

Xuân Mai

Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc cho biết số người đang đối mặt tình trạng thiếu ăn đã tăng lên 44 triệu, so với mức 27 triệu hồi năm 2019

Thế giới đang đối mặt cuộc khủng hoảng lương thực tiềm tàng với giá cả tăng vọt và hàng triệu người có nguy cơ thiếu ăn nghiêm trọng giữa lúc cuộc xung đột ở Ukraine đe dọa nguồn cung các lương thực cơ bản, như lúa mì, ngô...

Đó là cảnh báo được Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) đưa ra hôm 14-3. Ông Maximo Torero, nhà kinh tế trưởng của FAO, nói với trang The Guardian (Anh) rằng giá lương thực đã ở mức cao do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Giờ đây, tác động của cuộc xung đột đe dọa đẩy hệ thống lương thực toàn cầu vào thảm họa. Ông Torero cũng cảnh báo số người nghèo đói sẽ tăng đáng kể nếu xung đột Nga - Ukraine tiếp diễn. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc vào tháng này cho biết số người đang đối mặt tình trạng thiếu ăn đã tăng lên 44 triệu, so với mức 27 triệu hồi năm 2019.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tiếp tục kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch tại Ukraine và các bên đàm phán nghiêm túc để hướng tới giải pháp hòa bình. Theo ông Guterres, Nga và Ukraine hiện chiếm hơn 50% nguồn cung dầu hướng dương và khoảng nguồn cung 30% lúa mì của thế giới. Đáng chú ý, Ukraine chiếm hơn phân nửa nguồn cung lúa mì cho WFP.

Thế giới đối mặt khủng hoảng lương thực - Ảnh 1.

Một người làm bánh mì ở El-Kalubia (Ai Cập) hôm 1-3 Ảnh: REUTERS

Tổng Thư ký LHQ cảnh báo cuộc xung đột Nga - Ukraine tác động lên những nước nghèo nhất, gieo mầm bất ổn trên thế giới vào thời điểm các nước dễ tổn thương nhất đang cố phục hồi từ dịch bệnh trong bối cảnh lạm phát tăng cao và nợ nần chồng chất.

Theo thống kê, 45 nước châu Phi và quốc gia kém phát triển nhất nhập khẩu ít nhất 1/3 sản lượng lúa mì từ Nga hoặc Ukraine. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Nga hôm 14-3 cho biết nước này đã cung cấp 23 triệu tấn lúa mì cho thế giới kể từ khi ngày 1-7-2021 cho đến ngày 10-3-2022, giảm 30,9% so với cùng kỳ năm trước đó.

Theo FAO, giá lương thực đã tăng kể từ nửa cuối năm 2020 và đạt mức cao nhất từ trước đến giờ hồi tháng 2-2022. Riêng giá lúa mì và lúa mạch tăng gần 1/3, trong lúc giá dầu hạt cải và dầu hướng dương tăng hơn 60% trong năm 2021. Giá urê đã tăng hơn 3 lần trong năm qua do giá năng lượng tăng.

Ông Svein Tore Holsether, Giám đốc điều hành Tập đoàn Phân bón Yara International (Na Uy), cho biết hãng này phải giảm đáng kể công suất sản xuất amoniac và urê tại châu Âu do giá khí đốt tăng cao kỷ lục.

Ông Holsether cho rằng khi hai thành phần thiết yếu này bị thiếu hụt, nguồn cung lương thực toàn cầu sẽ bị tác động không nhỏ, đồng thời cảnh báo thế giới có thể chứng kiến khủng hoảng lương thực ảnh hưởng đến hàng triệu người.

Ông Holsether cũng nói với đài CNN rằng chi phí đã tăng quá cao nên công ty không thể duy trì hoạt động ở quy mô lớn và cũng không rõ khi nào hoạt động sản xuất tại châu Âu sẽ trở lại mức tối đa như trước đây. Theo doanh nhân này, vấn đề hiện nay không phải là khủng hoảng thực phẩm có sắp xảy ra hay không mà là cuộc khủng hoảng này lớn đến đâu.

Lo sợ thiếu hụt nguồn cung thực phẩm, nhiều quốc gia ưu tiên thị trường nội địa và hạn chế xuất khẩu, động thái có thể làm trầm trọng thêm mối đe dọa đối với an ninh lương thực thế giới.

Chẳng hạn như Ai Cập vừa cấm xuất khẩu lúa mì, bột mì và các loại đậu trong khi nhà sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới Indonesia cũng tuyên bố siết hạn chế xuất khẩu đối với mặt hàng này. Một số chuyên gia lo ngại người có thu nhập thấp ở nhiều nơi sẽ gặp khó trong việc mua thực phẩm trong thời gian tới. 

Nga trấn an người dân

Phó Thủ tướng Nga Viktoria Abramchenko hôm 15-3 khẳng định không có nguy cơ thiếu lương thực trong nước và khuyên người tiêu dùng không nên tích trữ nhu yếu phẩm trong bối cảnh Moscow bị phương Tây trừng phạt.

"Không có điều kiện xảy ra nguy cơ thiếu hoặc sụt giảm số lượng các sản phẩm. Không nên thúc đẩy nhu cầu nhân tạo bằng cách mua dự trữ cho tương lai. Chúng ta sẽ định hướng lại thị trường và thiết lập thương mại cùng có lợi, mở rộng mạng lưới đối tác với các quốc gia thân thiện" - tuyên bố của bà Abramchenko cho biết.

Lời trấn an trên được đưa ra một ngày sau khi Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ký sắc lệnh cấm xuất khẩu đường trắng và đường thô đến ngày 31-8, cũng như cấm xuất khẩu lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen và ngô sang các nước láng giềng thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu đến ngày 30-6.

Đây là một trong những bước đi của Nga nhằm bảo vệ thị trường thực phẩm trong nước trước đòn trừng phạt của Mỹ và các đồng minh. Tuy nhiên, bà Abramchenko cho biết Moscow sẽ tiếp tục cấp phép xuất khẩu ngũ cốc cho các thương nhân trong hạn ngạch hiện hành.

Ông Dmitry Rylko, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Thị trường Nông nghiệp Nga (IKAR), cho biết nước này hiện vẫn còn 6-6,5 triệu tấn lúa mì để xuất khẩu từ giờ cho đến ngày 30-6. Nga hiện là quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, với Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ là những khách hàng chính.

Hoàng Phương

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo