Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice hôm 14-5 khẳng định các nước châu Á đang ngày càng lo ngại việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 và tàu trái phép tới vùng biển Việt Nam. Bà Rice kêu gọi Bắc Kinh giải quyết tranh chấp theo đúng luật pháp quốc tế nếu muốn được thừa nhận là một cường quốc.
Chủ thể gây lo ngại
“Trung Quốc muốn được công nhận là nước giữ vai trò lớn không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn cầu nhưng lại từng ngày đẩy mình vào thế cô lập và trở thành chủ thể gây lo ngại đối với láng giềng… Những nước muốn xây dựng quan hệ hữu nghị với Trung Quốc ngày càng cảm thấy khó chịu và muốn xa lánh bởi các hành động khiêu khích, gây hấn của nước này” - bà Rice nhận xét.
Tàu và giàn khoan Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam
Ảnh: REUTERS
Cùng ngày, Nhà Trắng nhấn mạnh căng thẳng trên biển Đông do Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cần được giải quyết thông qua đối thoại, chứ không phải đe dọa.
Hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nêu rõ Mỹ không phải là một bên tranh chấp song trong chuyến công du châu Á mới đây, Tổng thống Barack Obama đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành đối thoại hòa bình trong các tranh chấp khác nhau liên quan tới Trung Quốc và biển Đông.
Theo ông Carney, nhiều nước Đông Nam Á ngày càng lo ngại khả năng Trung Quốc cố tình gây ra hàng loạt cuộc xung đột với láng giềng và xem đây là chiến thuật nhằm thay đổi cục diện trong khu vực nếu không bị đáp trả kiên quyết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp hôm 14-5 cũng bày tỏ quan ngại đối với hành động ngang ngược trên vùng biển Việt Nam của Trung Quốc. “Pháp quan ngại về những vụ đụng độ gần đây và những căng thẳng đang diễn ra tại biển Đông. Paris kêu gọi các bên kiềm chế, giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình và đối thoại” - người phát ngôn này nói.
Nên kiện CNOOC
Trang tin tức Global Post (Mỹ) hôm 14-5 đăng tải bài viết bóc trần ý đồ của Trung Quốc khi đưa giàn khoan và tàu trái phép vào vùng biển Việt Nam. Theo bài viết, dầu khí và hải sản không phải là mục tiêu chính mà ý đồ sâu xa hơn của Bắc Kinh là chiếm quyền kiểm soát toàn bộ biển Đông, làm chủ tuyến đường giao thông huyết mạch đến phương Tây, Trung Đông, phần lớn Nam và Đông Nam Á.
Bài viết cũng chỉ rõ việc Bắc Kinh ngang ngược đưa ra yêu sách đường 9 đoạn, đơn phương tuyên bố chủ quyền hầu khắp biển Đông là phục vụ cho dã tâm biến vùng biển này thành “cái hồ” của Trung Quốc! Theo bài báo, Việt Nam bất ngờ trở thành mục tiêu khiêu khích của Bắc Kinh bởi sự gần gũi về mặt địa lý và luôn ứng xử rất chừng mực.
Trong khi đó, theo TS Gerhard Will, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học và Chính trị (SWP - Đức), Trung Quốc hành động vào thời điểm này là nhằm thử tinh thần đoàn kết của các nước ASEAN với Việt Nam cũng như sự ủng hộ, hợp tác của Mỹ với Việt Nam và Philippines.
Riêng nhà nghiên cứu James Manicom, thuộc Trung tâm đổi mới lãnh đạo quốc tế ở Waterloo - Canada, cho rằng lựa chọn hợp lý nhất đối với Việt Nam lúc này là kiện Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) ra tòa án vì vi phạm luật pháp Việt Nam.
Động thái này sẽ củng cố sức mạnh cho các hoạt động phản đối bằng con đường ngoại giao mà Việt Nam đang theo đuổi. Thêm vào đó, bước đi còn chứng tỏ quyết tâm giải quyết tranh chấp biển Đông một cách hòa bình và theo luật pháp quốc tế của Việt Nam.
Đài Loan lắc đầu
Đài Loan sẽ không hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông - người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan, ông Lâm Vĩnh Lạc, cho biết ngày 15-5.
Phát biểu trước Ủy ban Ngoại giao và Phòng vệ thuộc cơ quan lập pháp lãnh thổ Đài Loan, ông Lâm khẳng định: “Không có chuyện hợp tác giữa Trung Quốc và chúng ta về vấn đề biển Đông”. Phản ứng trước việc ông Mã Hiểu Quang, người phát ngôn Ủy ban Các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc, đòi Việt Nam bảo vệ người dân Đài Loan, ông Lâm nói rõ: “Chúng tôi không chấp nhận những phát ngôn như thế”.
Trước đó, báo Bình luận Trung Quốc (Hồng Kông) cho biết Đảng Dân tiến đối lập ở Đài Loan đã chỉ trích chính quyền Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp của Đảng Dân tiến, Chủ tịch Tô Trinh Xương nói việc làm của Bắc Kinh gây ra xung đột nghiêm trọng trên biển Đông, đồng thời kêu gọi chính quyền của nhà lãnh đạo Mã Anh phê phán hành động gây hấn này.Huệ Bình
Bình luận (0)