Trong xã hội Hàn Quốc, "thìa bẩn" là cụm từ chỉ những người xuất thân nghèo khổ, trái ngược với "thìa vàng" là những người giàu sang, quyền thế.
Reuters cho biết khái niệm "thìa bẩn" và "thìa vàng" đã xuất hiện nhiều năm nay nhưng bùng nổ giữa chính trường trong những năm gần đây, làm giảm sự ủng hộ dành cho Tổng thống Moon Jae–in.
Sau khi lên nắm quyền vào năm 2017, ông Moon chứng kiến sự bất bình đẳng ngày càng sâu sắc. Chênh lệch về thu nhập tăng lên từ lúc ông Moon nhậm chức – 5,5 lần so với mức 4,9 lần.
Kim Jae-hoon, một "chiếc thìa bẩn", tại căn phòng chật hẹp ở Suwon - Hàn Quốc. Ảnh: Reuters
Hwang Hyeon-dong, một trong những trường hợp nổi bật của tầng lớp "thìa bẩn", đã chia sẻ cuộc sống khó khăn của mình một cách ngắn gọn: Không tiền và không hy vọng.
Hwang đang sống trong một căn phòng vỏn vẹn 6,6 m2 gần trường đại học của mình ở thủ đô Seoul. Mỗi tháng, Hwang mất hơn 300 USD tiền thuê nhà và mua gạo.
Nhìn về tương lai, thanh niên 25 tuổi này ngán ngẩm: "Nếu tôi cố gắng hết sức và tìm được một công việc tốt, liệu tôi có đủ khả năng để mua một căn nhà không? Tôi có thể thu hẹp khoảng cách quá lớn đó không?".
Đề cập tới bê bối tham nhũng xoay quanh cựu Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk, Hwang nói rằng đó là một lời cảnh tỉnh đối với nhưng "chiếc thìa bẩn" như mình. Trước đây, Hwang tin rằng làm việc chăm chỉ sẽ tạo ra sự khác biệt nhưng giờ cậu phải thay đổi suy nghĩ.
Ông Cho và người vợ là giáo sư đại học bị cáo buộc lợi dụng chức quyền để giúp con gái họ được nhận vào trường y năm 2015. Từng thừa nhận là một "chiếc thìa vàng" nhưng ông Cho phải từ chức hồi tháng 10, đúng một tháng sau tuyên bố này.
Hwang Hyeon-dong trong căn phòng trọ của mình. Ảnh: Reuters
Vụ bê bối của ông Cho chỉ ra một thực trạng tại Hàn Quốc, đó là những đứa trẻ xuất thân từ gia đình khá giả và quyền thế có cơ hội tiến xa hơn nhờ sự giúp đỡ của cha mẹ chúng.
Trong một cuộc thăm dò của nhà cung cấp dịch vụ Saramin hồi tháng 9, 3/4 trong số 3.289 người được hỏi thừa nhận nền tảng gia đình là chìa khóa cho sự thành công.
Sự bất bình đẳng và chênh lệch dẫn đến những cử tri trẻ tuổi với mức thu nhập thấp đang dần bỏ rơi ông Moon.
Theo một cuộc thăm dò của Công ty nghiên cứu Gallup Korea, sự ủng hộ của các cử tri trong độ tuổi từ 19-29 dành cho nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã giảm từ 90% (tháng 6-2017) xuống còn 44% (tháng 10-2017).
Từng bỏ phiếu bầu cho ông Moon nhưng Hwang thất vọng vì hiện tại khác xa lời hứa tạo ra một sân chơi bình đẳng và công lý của nhà lãnh đạo Hàn Quốc. Những người lao động lớn tuổi cũng cảm thấy khó chịu khi ông Moon cố gắng cải thiện cơ hội việc làm và công bằng xã hội cho những người lao động trẻ.
Trong một cuộc họp phát trên truyền hình hồi tuần trước, ông Moon thừa nhận mình đã thất bại trong việc giữ lời hứa trên, đồng thời cho biết sự ủng hộ ngày càng giảm của giới trẻ là bằng chứng cho thấy ông đã làm họ thất vọng.
Bình luận (0)