Với những mạng lưới tài chính ngầm sôi động, nền kinh tế số 2 thế giới đang trở thành điểm hẹn của tội phạm nước ngoài tìm kiếm vỏ bọc cho dòng tiền đen rồi bơm chúng trở lại hệ thống tài chính toàn cầu. Bài phóng sự điều tra mới công bố hôm 28-3 của hãng thông tấn AP (Mỹ) đã phơi bày thế giới ngầm bẩn thỉu mà Bắc Kinh từ chối đả động tới.
“Rất tuyệt”
Theo khoe khoang của Gilbert Chikli, gã “trùm” rửa tiền lọc lõi mang 2 dòng máu Israel - Pháp, điểm hấp dẫn nhất ở “thiên đường đen tối” là Trung Quốc tuy mang danh cường quốc nhưng không quan tâm tới các nước khác và hơn cả là làm ngơ trước các nạn nhân.
Khó có thể tin nổi là dù đang bị cảnh sát Pháp truy nã vì tội chiếm đoạt hơn 6 triệu euro, Chikli vẫn không ngại chia sẻ với AP kinh nghiệm rửa tiền tại Trung Quốc. Hắn được cho là kẻ đầu tiên đánh hơi được tiềm năng béo bở đó vào năm 2000, tức ngay trước năm Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), lợi dụng góc khuất trong sự trỗi dậy của nước này như căn bệnh tham nhũng cố hữu và những kênh tài chính không chính thức hoạt động ngầm cả ngàn năm.
Tòa án tại Pháp năm 2015 kết tội Chikli chiếm đoạt 6,1 triệu euro của 5 công ty La Banque Postale, LCL Bank, HSBC, Accenture và Thomson. Theo hồ sơ pháp lý, Chikli giả danh các giám đốc điều hành (CEO) hàng đầu hay đặc vụ tình báo, dụ dỗ nhiều nhân viên của một số công ty lớn nhất thế giới chuyển tiền vào những tài khoản ma do hắn kiểm soát. Chikli còn bị truy tố tội âm mưu chiếm đoạt hơn 70 triệu euro của ít nhất 33 công ty khác, bao gồm nhiều tên tuổi như Barclays, American Express và công ty điều hành Disneyland Paris.
Bị kết án vắng mặt 7 năm tù giam và phạt 1 triệu euro, song gã tội phạm gốc Do Thái này vẫn sống nhởn nhơ trong ngôi nhà 3 tầng xa hoa ở TP cảng Ashdod của Israel bên Địa Trung Hải. Lý do đơn giản là giữa 2 nước không có thỏa thuận dẫn độ song phương.
Chikli ca tụng rằng rửa tiền ở Trung Quốc “rất tuyệt” và 90% số tiền của hắn được làm sạch tại đó. Theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), những phi vụ “CEO giả” của Chikli gây thiệt hại khoảng 1,8 tỉ USD của nhiều công ty trên toàn cầu chỉ trong vòng 2 năm và vẫn chưa dừng lại.
Tiền bẩn từ lâu đã càn quét tại Trung Quốc nhưng căn bản vẫn chỉ được coi là vấn đề nội địa. Các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Trung Quốc ngày càng mất ăn mất ngủ với thế giới ngầm đáng sợ đó, nhất là khi họ đồng thời phải vật lộn ngăn chặn những dòng tiền tháo chạy khổng lồ giữa lúc nền kinh tế giảm tốc.
Bất chấp các biện pháp kiểm soát tiền tệ ngặt nghèo, số tiền kỷ lục lên tới 711 tỉ USD đã chạy khỏi Trung Quốc riêng trong năm 2015, chưa kể tới các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) - theo ước tính của hãng đánh giá tín dụng Fitch Ratings. Phần lớn số tiền rò rỉ thông qua các phi vụ định giá xuất khẩu thấp hoặc thổi phồng giá nhập khẩu để tuồn vốn ra nước ngoài. Tổ chức Liêm chính Toàn cầu (GFI, có trụ sở tại Washington D.C - Mỹ) xếp hạng Trung Quốc là nhà xuất khẩu tiền bất chính lớn nhất thế giới.
Điểm mù với phương Tây
“Tôi biết rằng Trung Quốc là nơi có thể làm ảo thuật với tiền bẩn” - tay trùm rửa tiền tự thuật.
Gilbert Chikli tiết lộ phương pháp rửa tiền ưa thích là lợi dụng sơ hở của hoạt động xuất nhập khẩu. Ban đầu, hắn yêu cầu các “con mồi” chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng trên khắp thế giới, phổ biến nhất là ở Đông Âu, sau đó dẫn dắt sang Trung Quốc và Hồng Kông để rút tiền mặt. Tiền này được dùng để mua các loại hàng hóa như giày dép, vàng, thép, đồ dệt may ở Trung Quốc. Có điều, dù chỉ mua 20 tấn thép chẳng hạn nhưng hắn có thể thỏa thuận ngầm để có biên lai tới 100 tấn. Số tiền bán hàng sau những thủ đoạn lắt léo đó được gửi về Israel với danh phận không một vết nhơ.
Giới chức Mỹ không khỏi đau đầu với kiểu rửa tiền núp bóng thương mại như vậy. Theo cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ công khai hồi tháng 9-2015, 3 công dân Colombia ở Quảng Châu - Trung Quốc đang cầm đầu một mạng lưới rửa tiền “tiêu thụ” tới 5 tỉ USD, với chiêu thức biên lai khống hệt Chikli. Mạng lưới này vươn vòi khắp nước Mỹ, Colombia, Tây Ban Nha, Ecuador, Mexico và Venezuela, chủ yếu phục vụ các băng đảng ma túy.
Chikli quả quyết đã giải nghệ nhưng một thế hệ lưu manh mới đang ăn theo chiêu thức của hắn. Có thêm sự tiếp tay của mạng xã hội khiến các chiêu rửa tiền ngày càng tinh vi. FBI cho biết họ đã nhận hơn 13.500 đơn khiếu nại từ các nạn nhân của nạn “CEO giả” trên khắp thế giới trong năm 2015, tăng 270% so với năm trước.
Người đứng đầu cơ quan tình báo tài chính của Cảnh sát Liên minh châu Âu (Europol), ông Igor Angelini, báo động rằng mức độ nguy hiểm của loại hình tội phạm rửa tiền ở Trung Quốc tăng mạnh. Vấn đề là giới chức Trung Quốc lại không mặn mà giúp các công ty phương Tây gặp nạn tìm lại số tiền bị chiếm đoạt. Ông Angelini gọi Trung Quốc là “điểm mù” đối với cả Mỹ và châu Âu trong vấn đề này.
Năng khiếu “thôi miên” trời cho
Câu chuyện Gilbert Chikli mới đây còn được các nhà làm phim Pháp đưa lên màn ảnh rộng “Je Compte sur Vous” (tạm dịch: Cảm ơn vì đã gọi). Oái oăm là kẻ đang bị cảnh sát Pháp truy nã này lại được khắc họa trong phim như... một người hùng!
Chikli thổ lộ ở tuổi 50, hắn chỉ muốn yên thân bên cô vợ trẻ và 6 đứa con. Tay tội phạm bí hiểm nói hắn không bao giờ định hại ai mà chỉ… trả thù hệ thống tài chính dung túng cho những kẻ giàu có nhưng “vô hình” trước pháp luật.
Triết lý của hắn là nếu cậu con trai của một gã thợ máy nghèo đến từ Tunisia không thể trở thành CEO đích thực thì ít ra cậu ta cũng có thể sắm vai này. Học nghề diễn xuất rồi làm việc trong lĩnh vực quảng cáo và bất động sản nhưng nghề thực sự của Chikli là thuyết khách. Hắn gọi đó là năng khiếu trời cho. Chỉ bằng một cú điện thoại, có khi chỉ trong vài phút, chưa ai đủ sức từ chối “ma lực” của hắn.
Cắn rứt lương tâm vì một số nạn nhân “ngoại lệ” vì mình mà mất việc, Chikli có cách bù đắp riêng bằng những thẻ tín dụng cho mỗi trường hợp khoảng 50.000 euro. Chikli cho biết riêng đối với một nữ quản lý nhà băng bị hắn “hạ gục” với chỉ 18 bông hồng, hắn đã gửi lại cho bà 180.000 euro như một lời xin lỗi.
Kỳ tới: Luồn lách trong lòng châu Âu
Bình luận (0)