Năm 1931, ông Winston Churchill, sau này là Thủ tướng Anh, đã đưa ra những dự báo về thế giới sau đó 50 năm. Ấn tượng và táo bạo nhất là dự báo con người sẽ chế tạo thịt mà không cần giết mổ gia súc, gia cầm được chăn nuôi, từ đó giúp giảm bớt sức ép lên đất đai.
Thân thiện môi trường
Ít ai ngờ rằng con người giờ đây tiến gần hơn bao giờ hết viễn cảnh được ông Churchill hình dung. Ông Josh Tetrick, Giám đốc điều hành Công ty Sản xuất thịt sạch Just (có tên cũ là Hampton Creek, trụ sở ở TP San Francisco - Mỹ), vừa tiết lộ những sản phẩm đầu tiên của họ có thể đến với người tiêu dùng trong vài tháng nữa. Ông nói với đài CNN rằng loại gà viên chiên, xúc xích và patê gan ngỗng được làm bằng công nghệ "thịt sạch" có thể được bán tại các nhà hàng ở Mỹ và châu Á "trước cuối năm 2018".
"Thịt sạch" là một trong những cái tên được sử dụng để gọi loại thịt tạo ra trong phòng thí nghiệm (thịt nhân tạo, thịt cấy, thịt sinh học...) thông qua việc sử dụng tế bào động vật. Với nhiều nhóm bảo vệ môi trường và quyền động vật, thịt nhân tạo được xem là hướng đi tích cực, giúp rời xa việc sát hại hàng tỉ con vật mỗi năm trong lúc có lợi cho môi trường hơn.
Theo một nghiên cứu, khoảng 14,5% lượng khí thải nhà kính toàn cầu xuất phát từ việc nuôi và ăn thịt gia súc, nhiều hơn cả lĩnh vực giao thông. Gia súc tạo ra khí methane có nguy cơ gây hiệu ứng nhà kính trong lúc việc phát quang đất và sử dụng phân bón thải ra nhiều carbon.
Sản phẩm thịt viên "nhân tạo"...
Với những lợi ích tiềm tàng như thế, thịt nhân tạo đang nhận được ngày càng nhiều sự quan tâm và đầu tư. Hồi tháng 8-2017, một số tỉ phú như Bill Gates, Richard Branson, Jack Welch..., cùng với Cargill, một trong những công ty nông nghiệp lớn nhất thế giới và những nhà đầu tư khác đã cùng nhau rót 17 triệu USD vào Công ty Memphis Meats, chuyên sản xuất "thịt sạch" và có trụ sở ở TP San Francisco.
Doanh nghiệp này đã tạo một số loại thịt bò, gà và vịt trực tiếp từ tế bào gốc mà không cần đến quá trình nuôi hoặc giết mổ. Theo đài CNBC, Memphis Meats thu thập tế bào thịt từ động vật sống và nuôi chúng trong phòng thí nghiệm trong 4-6 tuần, tạo ra loại thịt có thể nấu nướng và ăn được. Công ty đã trình làng một viên thịt bò ra đời bằng phương pháp này hồi tháng 2-2016, theo sau là viên thịt gà, viên thịt vịt vào tháng 3-2017.
Còn nhiều trở ngại
Theo Tạp chí Forbes, những nhà đầu tư quan tâm tới xã hội như 2 ông Gates và Branson có thể nhìn thấy Memphis Meats không chỉ có tiềm năng tăng trưởng trong thị trường thịt toàn cầu trị giá gần 1.000 tỉ USD mà còn có khả năng cho ra đời một sản phẩm mới được kỳ vọng an toàn hơn đối với người sử dụng, có lợi hơn cho môi trường sống và các loài gia súc, gia cầm. "Tôi tin rằng trong khoảng 30 năm nữa, chúng ta không cần phải giết bất cứ con vật nào và tất cả thịt sẽ vừa sạch, bổ dưỡng hơn trong khi mùi vị không thay đổi" - tỉ phú Branson nói với trang Bloomberg.
Đó cũng là những gì Memphis Meats hứa mang lại cho thế giới. "Cách sản xuất thịt truyền thống đang tạo ra không ít thách thức cho môi trường, động vật và sức khỏe con người. Đây là những vấn đề mà ai cũng muốn giải quyết" - bà Uma Valeti, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Memphis Meats, bày tỏ. Bà Carolina Brochado, thuộc Quỹ Đầu tư Atomico có rót vốn vào công ty này, cho biết ngành sản xuất thịt hiện sử dụng 1/3 lượng nước sạch và diện tích bề mặt trên trái đất, trong lúc tạo ra gần 1/5 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. "Với nhu cầu về thịt được dự báo tăng gần 70% vào năm 2050, chúng ta rõ ràng là đang rất cần một giải pháp" - bà Brochado nhận định.
...và thịt gà rán nhân tạo của Công ty Memphis Meats. Ảnh: MEMPHIS MEATS
Memphis Meats khẳng định họ có thể sản xuất thịt với chỉ 1% lượng đất và 1% lượng nước so với phương thức truyền thống. Họ cũng tự tin công nghệ tiên phong của họ sẽ thải ra lượng khí thải nhà kính ít hơn 90%, không cần sử dụng thuốc kháng sinh hoặc các chất phụ gia khác so với ngành chăn nuôi truyền thống. Công ty vẫn trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển nên chưa có sản phẩm nào của Memphis Meats xuất hiện trên thị trường. Tuy nhiên, những nhà đầu tư giai đoạn đầu đã có cơ hội ăn thử chúng.
Ngay cả các công ty sản xuất thịt truyền thống cũng quan tâm tới "thịt sạch". Tyson Foods, nhà sản xuất thịt lớn nhất nước Mỹ, đã lập ra một quỹ chuyên đầu tư vào những công ty đang nghiên cứu những phương pháp "nuôi sống dân số đang tăng của thế giới một cách bền vững".
Theo đài CNN, một trong những thách thức không nhỏ của lĩnh vực còn mới mẻ này là làm sao thuyết phục người tiêu dùng đón nhận "thịt sạch" bởi vẫn còn đó nỗi lo về sự an toàn và lợi ích đối với sức khỏe. Một rào cản khác là sự phê chuẩn của các nhà quản lý và có thể mất vài năm để "thịt sạch" được bán rộng rãi. Điều đáng khích lệ là kết quả một nghiên cứu gần đây cho thấy 1/3 người Mỹ sẵn sàng ăn "thịt sạch" thường xuyên thay cho thịt truyền thống.
Song, mùi vị của loại thịt này phải tương tự hoặc ngon hơn thịt truyền thống, trong lúc chi phí sản xuất hàng loạt cần tiếp tục giảm nếu muốn thu hút thêm người tiêu dùng. Món hamburger "thịt nhân tạo" đầu tiên trên thế giới - do Công ty Mosa Meat (Hà Lan) tạo ra năm 2013 - có chi phí lên đến 330.000 USD.
Bình luận (0)