Theo đó, trong quá trình đàm phán trước đây với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định sử dụng S-400 độc lập với các hệ thống vũ khí của NATO. Vì thế, chuyện Ankara mua hệ thống tên lửa phòng không của Nga sẽ không gây tổn hại cho chiến đấu cơ thế hệ thứ năm F-35 của Mỹ cũng như sẽ không làm lộ thông tin nhạy cảm liên quan đến F-35.
Trước đó, Bloomberg đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị Mỹ nghiên cứu S-400 sau khi Ankara nhận được hệ thống tên lửa phòng không này, với mục đích xoa dịu mối bất hòa với Washington quanh thương vụ gây tranh cãi với Nga.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Ảnh: RIA NOVOSTI
Phía Mỹ từng đặt điều kiện với Thổ Nhĩ Kỳ: Nếu mua S-400, họ sẽ không nhận được chiến đấu cơ tàng hình F-35.
Vì thế, trước thông tin trên, trang zen.yandex.ru bình luận: Phía Nga cần cân nhắc kỹ lưỡng có nên cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống S-400 hay không để tránh nguy cơ bị đâm sau lưng.
Trong khi đó, trang Bloomberg ngày 19-12 đưa tin Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo với quốc hội nước này về đề xuất bán hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ, động thái được đánh giá là bước đột phá trong khi Ankara đang nhích lại gần Nga hơn.
Hợp đồng tiềm năng mua bán hệ thống Patriot trị giá 3,5 tỉ USD được xem là nước cờ mở đầu của chính quyền Tổng thống Donald Trump để làm cho Thổ Nhĩ Kỳ ngưng thương vụ S-400 vốn đã bị phía Mỹ cực lực phản đối.
Sư đoàn hệ thống tên lửa phòng không S-400 đã kết thúc giai đoạn thử nghiệm và đang làm nhiệm vụ trực chiến ở Crimea. Ảnh: RIA NOVOSTI
Tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết đất nước ông muốn mua tên lửa Patriot nhưng chưa bao giờ nhận được sự cam kết từ Washington.
Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận thương vụ Patriot sẽ củng cố sức mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ giữa lúc nước này đương đầu với tình trạng bất ổn trong khu vực.
Hợp đồng được đề xuất này, chắc hẳn được quốc hội Mỹ thông qua, bao gồm 140 tên lửa Patriot, radar và trạm kiểm soát mặt đất. Các nhà lập pháp có 15 ngày để xem xét thương vụ này theo các thủ tục dành cho đồng minh NATO.
Tuy nhiên, Nhà Trắng đã từ chối bình luận về đề xuất trên.
Hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không Patriot của Mỹ. Ảnh: REUTERS
Thực ra, Thổ Nhĩ Kỳ hiện là đối tác quan trọng trong chương trình chế tạo chiến đấu cơ tàng hình F-35 do Mỹ đứng đầu khi 10 công ty Thổ Nhĩ Kỳ đảm nhiệm việc sản xuất một số bộ phận trị giá 12 tỉ USD, bao gồm một số thành phần then chốt như phần giữa thân máy bay và thiết bị hạ cánh…
Còn S-400 của Nga được thiết kế để bắn hạ máy bay của Mỹ và đồng minh ở cự ly xa hơn và tầm cao hơn các hệ thống cũ. Vì thế, giới chức Mỹ lo ngại công nghệ nhạy cảm F-35 có thể bị hóa giải và được sử dụng để cải thiện hệ thống phòng không S-400 của Nga nếu như Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu cả hai.
Trong bối cảnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không cho thấy nước này có từ bỏ S-400 hay không. Ngoài ra, giới chức Ankara cho biết họ mong muốn được chuyển giao công nghệ như một phần của hợp đồng Patriot mà phía Mỹ có thể không muốn cung cấp.
Chiến đấu cơ tàng hình F-35. Ảnh: NATIONAL INTEREST
Sự rắc rối liên quan đến S-400 không phải là trở ngại duy nhất đối với sự cải thiện mối quan hệ Mỹ - Thổ. Thổ Nhĩ Kỹ vẫn tiếp tục cầm giữ một nhà khoa học NASA và các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ người Thổ Nhĩ Kỳ sau khi phóng thích một mục sư người Mỹ hồi đầu năm nay.
Ngoài ra, chính phủ Ankara còn yêu cầu Washington dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen hiện sống ở Mỹ về Thổ Nhĩ Kỳ vì cho rằng ông này đứng sau âm mưu đảo chính bất thành năm 2016.
Bình luận (0)