Cụ thể, dầu Brent chuẩn quốc tế giao dịch ở mức 40,91 USD/thùng vào lúc 0 giờ 3 phút (theo giờ GMT), giảm 5,1% kể từ phiên giao dịch cuối cùng. Giá dầu thô Mỹ (CLc1) cũng sụt 5,5% xuống còn 38,16 USD/thùng.
Tập trung tại thủ đô Doha của Qatar hôm 17-4, bộ trưởng từ 18 nước sản xuất dầu mỏ thuộc OPEC và ngoài OPEC đã tìm kiếm một thỏa thuận nhằm cố định sản lượng dầu ở mức tháng 1-2016 cho khoảng thời gian sắp tới (ít nhất đến là tháng 10).
Bộ trưởng Năng lượng Qatar Mohammed bin Saleh al-Sada cho biết sau 5 giờ đàm phán gay gắt, các nước khai thác dầu mỏ đều tuyên bố cần “thêm thời gian”.
Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi Ali al-Naimi (giữa) đến dự cuộc họp của các nước sản xuất dầu mỏ lớn ở Doha ngày 17-4. Ảnh: REUTERS
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Ả Rập Saudi và Iran có nhiều bất đồng. Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zangeneh nói trên truyền hình Iran: “Chúng tôi không thể hợp tác với họ giữ cố định sản lượng của riêng chúng tôi và nói cách khác là áp đặt trừng phạt lên chính mình”.
Các quan chức Ả Rập Saudi cho biết họ không thể ủng hộ bất kỳ việc giữ nguyên mức sản xuất dầu mỏ nào nếu Iran, đối thủ chính của nước này, không tham gia.
Ngân hàng Barclays của Anh nhận xét: “Thất bại của các cuộc đàm phán là một dấu hiệu rõ ràng (tương tự cuộc họp bất thành của OPEC hồi tháng 12-2015) cho thấy ảnh hưởng của OPEC đối với thị trường dần phai nhạt và khả năng phối hợp với các thành viên không thuộc nhóm này cũng không kém phần khó khăn”.
Sau cuộc họp nêu trên, các thành viên OPEC cần đạt được thỏa thuận trong nội bộ, có thể là trong một hội nghị vào tháng 6, trước khi có thể mời các nước khai thác dầu khác tham gia thỏa thuận này.
Giá dầu thô đã giảm khoảng 70% so với thời điểm giữa năm 2014 trong khi các nhà sản xuất bơm 1-2 triệu thùng dầu thô/ngày vào thị trường, tạo ra cảnh dư cung lớn.
Bình luận (0)