Hôm 24-2 là ngày thứ sáu đầu tiên của chiến dịch “Premium Friday” (tạm dịch: Thứ sáu phần thưởng) này.
Nhiều công ty, trong đó có các tên tuổi lớn như hãng sản xuất ô tô Nissan và Toyota, Công ty Nước giải khát Suntory, Công ty Chứng khoán Nomura…, đã hưởng ứng nỗ lực cân bằng giữa công việc và cuộc sống nêu trên. Đáng chú ý, nhà mạng Softbank từ tháng 4 dự kiến cho mỗi nhân viên 90 USD/ tháng để khuyến khích họ tiêu xài khi rời văn phòng sớm trong ngày thứ sáu đặc biệt.
Nhân viên văn phòng ở Tokyo hào hứng với ngày thứ 6 đặc biệt đầu tiên (24-2) Ảnh: AP
Để làm gương, Thủ tướng Shinzo Abe dành buổi chiều 24-2 để thiền định tại một ngôi chùa ở thủ đô Tokyo, sau đó thưởng thức ca nhạc. Chánh Văn phòng nội các Yoshihide Suga cũng rời nơi làm việc sớm.
Tình trạng làm việc nhiều giờ ở Nhật Bản bị quy trách nhiệm cho hàng trăm trường hợp tử vong mỗi năm, chủ yếu do đột quỵ, đau tim và tự sát. Vì thế, việc tăng cường nghỉ ngơi được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt những vụ việc đau lòng, đồng thời cải thiện hiệu quả làm việc và thúc đẩy chi tiêu. Công ty Chứng khoán SMBC Nikko Securities tính toán chiến dịch Premium Friday có thể thúc đẩy chi tiêu cho tiêu dùng tăng thêm 780 triệu USD/năm.
Dù vậy, không ít doanh nghiệp vẫn thờ ơ với chiến dịch. “Tôi không nghe được bất kỳ thông tin nào về “Premium Friday” tại nơi làm việc của mình. Tôi e rằng tình hình cũng không khác gì tại nhiều công ty khác. Việc cố gắng thay đổi cách mọi người làm việc không phải ý tưởng tồi nhưng sẽ rất mất thời gian” - nhà chiến lược thị trường Ayako Sera của Ngân hàng Sumitomo Mitsui Trust Bank ở Tokyo nói với trang tin Stuff.co.nz.
Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy chỉ gần 37% người được hỏi đồng ý với ý tưởng Premium Friday. Một số nhân viên bán thời gian lo ngại thu nhập của họ giảm sút. Ngay cả một số phụ nữ nội trợ cũng không hài lòng khi thấy chồng mình về nhà sớm bởi họ sẽ không còn nhiều thời gian cho bản thân như trước.
Bình luận (0)