Ông Pawlak đã được chủ tịch Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) - thẩm phán người Nhật Shunji Yanai - bổ nhiệm hồi tuần trước sau khi Trung Quốc không thể cử đại diện của nước này trong vòng 60 ngày theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Ở thủ tục tiếp theo, trong vòng 30 ngày, ông Yanai sẽ đề cử 3 thành viên còn lại của ban hội thẩm để xem xét vụ kiện. Thẩm phán người Đức và là cựu chủ tịch ITLOS Rudy Wolfrum đã được chọn làm đại diện cho Philippines sau khi Manila gửi bản khai báo và tuyên bố quyền yêu sách tại ban hội thẩm của LHQ vào ngày 22-1.
Theo báo điện tử Rappler của Philippines, gần 1 tháng sau khi Philippines đưa vụ việc ra tòa án quốc tế, Bắc Kinh chính thức bác bỏ vụ kiện với lập luận rằng chính phủ Philippines đã đưa ra một khẳng định “không thực và không hoàn thiện”, đồng thời lặp lại tuyên bố ngang ngược rằng “Trung Quốc có đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý để chứng minh chủ quyền trên toàn bộ biển Đông”. Bám vào đường lối này, Bắc Kinh đã từ chối cử đại diện tham gia vào ban hội thẩm 5 người, buộc ITLOS phải có sự lựa chọn.
Theo tinh thần của UNCLOS, ngay khi 5 thành viên trong ban hội thẩm đã được xác định, họ sẽ nghe phần tranh luận của hai bên và đưa ra phán quyết.
Trợ lý của Tổng thống Philippines Benigno Aquino, ông Rene Almendras, cho biết nước này đã tiên lượng việc Trung Quốc phớt lờ kế hoạch đưa vụ việc lên LHQ và lưu ý rằng vụ kiện vẫn được tiến hành mà không cần tới sự chấp thuận của Trung Quốc.
Theo các chuyên gia pháp lý, việc Trung Quốc từ chối cử ra một thẩm phán đại diện cho nước này tham gia vào ban hội thẩm 5 người sẽ không ngăn cản được phiên tòa theo yêu cầu của Philippines và Trung Quốc cũng không có quyền lợi pháp lý để phớt lờ bất kỳ phán quyết nào bất lợi cho Bắc Kinh sau này.
Hơn 2 năm qua, Manila không ngừng than phiền về sự võ đoán của Bắc Kinh trong việc đòi cho được yêu sách của họ, đặc biệt đối với những khu vực được cho là giàu về dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên. Lập trường của Trung Quốc đã dẫn đến sự rạn nứt với Philippines hồi năm ngoái về những địa điểm có nhiều cá chung quanh bãi cạn Scarborough, một vỉa đá nhô lên nằm sát bờ biển Philippines hơn so với bờ biển Trung Quốc.
Đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tại biển Đông ra tòa trọng tài quốc tế của LHQ, Philippines tin rằng đường biên giới biển 9 đoạn (còn gọi là “chữ U” hay “lưỡi bò”) mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền là bất hợp pháp và hy vọng tòa quốc tế sẽ tuyên bố việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền như vậy là trái với tinh thần UNCLOS.
Bình luận (0)