Người phát ngôn của tổng thống, ông Yasser Ali, tuyên bố sau cuộc họp rằng ông Mursi sẽ không rút lại sắc lệnh ban hành ngày 22-11, trong đó không cho phép phản kháng lại các quyết định, sắc lệnh của ông. Tuy nhiên, sắc lệnh sẽ chỉ giới hạn trong “những vấn đề chủ quyền” - ông Mursi đảm bảo.
Cũng theo ông Ali, các quan chức dưới thời cựu Tổng tống Hosni Mubarak sẽ không bị xét xử lại trừ khi tìm được chứng cứ mới.
Phe đối lập sẽ tiếp tục biểu tình phản đối sắc lệnh ngày 22-11 vào hôm nay, 27-11. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, các lực lượng đối lập tiếp tục kêu gọi biểu tình ngày 27-11 để yêu cầu hủy bỏ sắc lệnh. Ngược lại, tổ chức Anh em Hồi giáo cho biết sẽ hoãn cuộc tuần hành “một triệu người” ủng hộ tổng thống bên ngoài Đại học Cairo để tránh căng thẳng. Đây là một dấu hiệu khác cho thấy chính quyền Ai Cập không muốn để xung đột leo thang. Tổng thống Mursi cũng yêu cầu cảnh sát không được dùng vũ lực chống người biểu tình.
Cùng ngày 26-11, không lâu sau tuyên bố của Tổng thống Mursi, Tòa án Hành chính tối cao Ai Cập (SCC) cho biết sẽ bắt đầu xem xét 12 đơn kiện của các luật sư và các nhà hoạt động chống lại sắc lệnh ban hành ngày 22-11 vào ngày 4-12 tới.
Đây được xem là lời tuyên chiến công khai của giới chức tòa án. Các đơn kiện cho rằng sắc lệnh nói trên của tổng thống chỉ mang tính chất "hành chính" chứ không phải "hiến pháp", do vậy các cơ quan tư pháp có quyền kháng cáo.
Đơn kiện của Chủ tịch Câu lạc bộ Thẩm phán Ahmed El-Zend đòi bãi bỏ sắc lệnh với cáo buộc văn bản này "vi phạm pháp luật và các chuẩn mực hiến pháp".
Bình luận (0)