"Từ giờ, tôi yêu cầu nội các…không bàn luận tình hình biển Đông với ai cả. Nếu bàn luận, chúng ta chỉ bàn luận với nhau" – Tổng thống Duterte tuyên bố trên truyền hình.
Kể từ khi nhậm chức vào năm 2016, Tổng thống Duterte đưa Philippines gần hơn đến Trung Quốc, gạt qua tranh chấp lãnh thổ để đổi lấy cam kết hàng tỉ USD của Bắc Kinh về các khoản vay, đầu tư và hỗ trợ, theo Reuters.
Dù vậy, căng thẳng Philippines-Trung Quốc đã leo thang kể từ tháng 3, với việc Manila liên tục phản đối ngoại giao về sự hiện diện của hàng trăm tàu Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp trên biển Đông.
Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng cùng cố vấn pháp lý của Tổng thống Duterte là những người thể hiện lập trường cứng rắn với Bắc Kinh về vấn đề này.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cấm nội các phát biểu công khai về biển Đông. Ảnh: Reuters
Philippines cho rằng nhóm tàu nêu trên là tàu dân quân đội lốt tàu cá của Trung Quốc, mô tả sự hiện diện của chúng là "ồ ạt và đe dọa". Trong một tuyên bố hôm 22-3 khi thông tin về nhóm tàu này lần đầu tiên được đăng tải, các nhà ngoại giao Trung Quốc khẳng định chúng chỉ là tàu thương mại trú bão và không có dân quân trên khoang.
Đến đầu tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana khẳng định vẫn còn 44 tàu Trung Quốc hiện diện xung quanh đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) dù "họ không có lí do gì để ở lại đó", bởi điều kiện thời tiết trên biển đã được cải thiện.
Theo Bộ trưởng Lorenzana, sự hiện diện của nhóm tàu này là một minh chứng cho thấy Bắc Kinh muốn chiếm thêm các khu vực trên biển Đông.
Bản thân Tổng thống Duterte cũng đã bác lời kêu gọi của Trung Quốc về việc rút tàu khỏi các khu vực tranh chấp biển Đông, nói rằng ông sẽ không cúi đầu trước sức ép ngay cả khi điều này có thể làm tổn hại đến quan hệ Manila-Bắc Kinh.
Căng thẳng Manila-Bắc Kinh leo thang kể từ tháng 3 vì sự hiện diện của hàng trăm tàu Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp trên biển Đông. Ảnh: EPA
Bình luận (0)