Tổng thống Obama nói ông đã quyết định sẽ trừng phạt quân sự Syria, nhưng ông tin rằng điều quan trọng trong nền dân chủ của nước Mỹ là phải giành được sự ủng hộ của các nghị sĩ.
Ông Obama cảnh báo các nghị sĩ phải cân nhắc hậu quả của việc ngồi im không hành động. “Câu hỏi mà tôi dành cho mỗi nghị sĩ cũng như mỗi thành viên của cộng đồng quốc tế là: Chúng ta sẽ gửi thông điệp gì cho kẻ độc tài có thể giết chết hàng trăm trẻ em bằng khí độc và không phải trả giá gì?”.
Ông Obama (phải) tuyên bố sẽ xin phép quốc hội tấn công Syria từ Nhà Trắng
với Phó Tổng thống Joe Biden đứng bên. Ảnh: Reuters Biểu tình phản đối can thiệp vào Syria ở Sanaa - Yemen. Ảnh: Reuters
Quyết định trên là một “canh bạc” cực kỳ quan trọng bởi Tổng thống Obama có mối quan hệ khá nhạt nhòa với các nghị sĩ, đặc biệt là phe Cộng hòa. Do đó, ông có thể cũng sẽ “thua đau” như Thủ tướng Anh David Cameron.
Tuy nhiên, theo Reuters, việc ông Obama “kéo” quốc hội vào là vì muốn chia sẻ trách nhiệm nếu chẳng may cuộc tấn công này dẫn đến kết cục xấu, nhất là giữa lúc đa số dư luận Mỹ phản đối một hành động quân sự đối với Syria.
Ngay sau bài phát biểu của tổng thống, Chủ tịch Hạ viện Mỹ thuộc phe Cộng hòa, ông John Boehner, tuyên bố quốc hội sẽ bắt đầu thảo luận về khả năng tấn công Syria từ ngày 9-9 và có thể kéo dài trong vòng 10 ngày. Chủ tịch John Boehner nói: "Chúng tôi cảm thấy hài lòng vì tổng thống sẽ xin phép cho bất kỳ hành động quân sự nào đối với Syria".
Trước khi ông Obama “đạp thắng”, khâu chuẩn bị cho một cuộc tấn công đã hoàn tất. Các tàu chiến của hải quân Mỹ đã vào vị trí, chỉ còn đợi mệnh lệnh là phóng tên lửa. Thanh sát viên Liên Hiệp Quốc cũng đã rút đi, không còn gì trở ngại cho Mỹ ra tay.
Thủ tướng Anh và Tổng thống Pháp Francois Hollande đều ủng hộ quyết định hỏi ý quốc hội của ông Obama, song phe nổi dậy Syria tỏ ra tức giận và thất vọng.
Gia đình một tay súng nổi dậy xem bài phát biểu của ông Obama ở ngoại ô Damascus. Ảnh: Reuters
Thanh sát viên Liên Hiệp Quốc rời Syria ngày 31-8. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) ngày 31-8 tuyên bố việc phân tích các mẫu phẩm do các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc mang về từ Syria có thể mất đến 3 tuần.
Cùng ngày, Liên Hiệp Quốc thẳng thừng bác bỏ những ý kiến cho rằng tổ chức này đang đứng sang một bên Mỹ tự do không kích Syria. Phát ngôn viên Martin Nesirky nói: “Điều này thật lố bịch và cũng là sự sỉ nhục đối với hơn 1.000 nhân viên Liên Hiệp Quốc đang có mặt ở Syria để hỗ trợ nhân đạo và sẽ tiếp tục ở lại để phân phối những viện trợ quan trọng”.
Ông Martin Nesirky đồng thời khẳng định Liên Hiệp Quốc sẽ đưa ra đánh giá “công bằng và đáng tin cậy” về việc liệu vũ khí hóa học có bị sử dụng ở Syria hay không.
Bình luận (0)