Mới đây nhất là Quốc vương Ả Rập Saudi Salman bin Abdulaziz Al Saud, người vừa trở thành vị vua đầu tiên của quốc gia giàu dầu mỏ vùng Vịnh thăm chính thức Moscow trong tuần qua.
Chủ đề quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của ông chính là về Iran, một đồng minh thân cận của Nga nhưng bị hầu hết quốc gia vùng Vịnh coi là kẻ thù nguy hiểm.
Trước đây, gần như chỉ có Washington là nơi "bắt buộc phải ghé thăm" đối với hầu hết nguyên thủ quốc gia. Nhưng hiện nay ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông đang sụt giảm, nhất là sau khi Nga can thiệp quân sự thành công ở Syria, giúp củng cố chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad và làm lu mờ vai trò của Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp Quốc vương Ả Rập Saudi Salman tại Điện Kremlin hôm 5-10. Ảnh: Reuters
Ông Dennis Ross, cố vấn nhiều đời Tổng thống Mỹ và từng phụ trách tiến trình đàm phán hòa bình ở Trung Đông, nhận định: "Điều đó đã làm thay đổi thực tế và cán cân quyền lực ở đây. Putin đã thành công trong việc biến Nga thành một nhân tố quan trọng ở Trung Đông. Đó là lý do bạn thấy các nguyên thủ Trung Đông liên tục công du đến Moscow".
Tuy nhiên theo ông Ross, thành công cũng đi kèm không ít vấn đề. Khi yêu cầu của các quốc gia vùng Vịnh ngày càng nhiều, sẽ không dễ dàng để Moscow "chiều lòng" tất cả những vị khách ghé thăm sau khi họ về nước.
Moscow đã từng là một thế lực lớn của Trung Đông trong thời Chiến tranh lạnh và đã hỗ trợ các nước Ả Rập về mặt vũ trang để chống lại Iran. Nhưng sau khi Liên Xô tan rã, ảnh hưởng của Moscow cũng mất dần và khi Mỹ tấn công Iraq, Nga chỉ đứng ngoài cuộc và không thể làm gì khác ngoài phản đối.
Thế nhưng cục diện bắt đầu xoay chiều từ năm 2013 khi Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama quyết định không tấn công chế độ ông Assad. Hai năm sau đó, ông Putin đã cử quân đội sang để hỗ trợ và bảo vệ nhà lãnh đạo Syria.
Đạt được thành quả
Trong thời gian can thiệp quân sự của Mỹ ở Syria, các đồng minh của Mỹ cũng cùng chung chí hướng lật đổ ông Assad nhưng họ đã phải vỡ mộng khi Mỹ không mạnh tay triển khai quân đội để buộc ông Assad phải ra đi.
Theo ông Khaled Batarfi, chuyên gia Trường ĐH Alfaisal (Ả Rập Saudi), ảnh hưởng của Nga trong khu vực ngày càng mạnh chính là do "ông Obama đã cho phép điều đó". Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng có cùng cách nhận định vấn đề như giáo sư Bartafi. Từng mất nhiều năm thúc giục Mỹ mạnh tay hành động với ông Assad song hồi tháng trước ông Erdogan đã phát biểu rằng những cuộc đối thoại với Mỹ "chẳng mang lại kết quả gì".
Thổ Nhĩ Kỳ giờ đã gia nhập kế hoạch xoa dịu căng thẳng khu vực cùng Nga và Iran vì ông Erdogan cho rằng điều này "mang lại kết quả".
Hai năm trước, căng thẳng giữa ông Putin và ông Erdogan đã leo thang sôi sục sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay quân sự của Nga ở biên giới Syria. Nhưng hôm 29-9 vừa qua, ông Putin đã bay sang Ankara dùng bữa tối với ông Erdogan sau khi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, qua đó chọc giận các đồng minh NATO.
Khi nhà vua đến Nga
Trong khi đó, Ả Rập Saudi trước đây từng tài trợ cho các nhóm phiến quân chống ông Assad thì giờ lại đang hợp tác với Nga để thuyết phục các phe đối lập đàm phán hòa bình và những cuộc đàm phán này chắc chắn sẽ cũng cố thêm quyền lực của ông Assad.
Các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông đều hoan nghênh Tổng thống Mỹ Donald Trump và lập trường đối đầu Iran hết sức cứng rắn của ông. Song cho đến nay, ông Trump hầu như vẫn đang theo đúng chính sách của người tiền nhiệm: tập trung đối đầu tổ chức Nhà nước Hồi Giáo (IS) tự xưng hơn là ông Assad.
Thế nên, khi mục tiêu lật đổ chế độ Assad ở Syria trở nên xa vời, những mối quan tâm của Ả Rập Saudi cũng thay đổi. Giờ đây Ả Rập Saudi và các nước vùng Vịnh đang hối thúc Nga giảm bớt vai trò của Iran ở Syria, nơi Hezbollah và các nhóm dân quân người Shiite do Tehran huấn luyện đã và đang giúp ông Assad lấy lại lãnh thổ.
"Tốt hơn là Nga không nên phớt lờ điều này, đó là thông điệp chủ yếu. Nhà vua đại diện cho các quốc gia vùng Vịnh và rất nhiều sức nặng địa chính trị đã đến Nga và Nga cần phải cân nhắc thông điệp này" - chuyên gia phân tích chính trị Abdulkhaleq Abdulla của Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất nhận định.
Tuy nhiên theo một người thân cận với Điện Kremlin, ông Putin sẽ không thay đổi quan điểm về Iran của mình chỉ để đáp ứng nguyện vọng của Ả Rập Saudi.
Ngay cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đã ghé thăm Nga 4 lần trong 18 tháng qua cũng phải thừa nhận rất khó để lay chuyển nhà lãnh đạo Nga. Hồi tháng 8, ông Netanyahu từng nói với ông Putin rằng việc để cho Iran ngày càng ảnh hưởng sâu ở Syria là "không chấp nhận được".
Trong tháng 9, ông cũng từng phát biểu trên đài CNN rằng Iran đang cố "biến Syria thành thuộc địa để làm bàn đạp chinh phục cả Trung Đông".
Tuy vậy, Nga đã từ chối lời yêu cầu thiết lập một vùng đệm bên trong Syria để giữ cho các lực lượng Iran và Hezbollah cách xa biên giới Isael ít nhất 60km của ông Netanyahu.
Nga cũng từng bác bỏ đề nghị của Mỹ về việc lấy sông Euphrates thành giới tuyến phân chia giữa quân chính phủ Syria và các lực lượng do Mỹ hỗ trợ ở miền Đông Syria. Điều này đã dẫn đến một cuộc chạy đua tranh giành những vùng đất thu hồi lại được từ IS tại vùng đất chiến lược giàu dầu mỏ này.
Thế nhưng Nga lại thành công trong việc duy trì các kênh đối thoại mở với tất cả các bên, từ Iran đến Ả Rập Saudi, từ phong trào Hamas của Palestine cho đến Israel.
Theo ông Andrey Kortunov -Tổng giám đốc của Hội đồng các vấn đề Quốc tế Nga (một nhóm nghiên cứu được thành lập bởi điện Kremlin), mặc dù từ chối yêu cầu lập vùng đệm của Israel nhưng Nga lại có thỏa thuận cho phép Israel được quyền không kích Hezbollah ở Syria.
Bên cạnh đó, Nga còn tham gia cùng Ai Cập làm trung gian hòa giải cuộc xung đột nội bộ Palestine kéo dài hơn thập kỷ giữa Fatah ở Bờ Tây và Hamas ở Gaza. Ông Putin còn mời cả các phe phái Lybia đối đầu sang Moscow sau khi một loạt nỗ lực đàm phán hòa bình của các quốc gia khác lần lượt thất bại.
Nga cũng đã trở thành nhà đầu tư hàng đầu ở vùng đất giàu dầu mỏ của người Kurd ở Iraq và là một trong số ít ỏi cường quốc không lên án việc trưng cầu dân ý đòi độc lập của cộng đồng người Kurd tại đó.
Cuộc đua về tầm ảnh hưởng trên phương diện kinh tế giữa Nga và Mỹ có vẻ không cân sức bởi GDP của Mỹ đang gấp 13 lần Nga. Nhưng theo cựu Đại sứ Nga ở Syria từ năm 1989 đến 1994 Alexander Zotov, đó không phải lúc nào cũng là yếu tố quyết định.
Ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông mạnh lên trong lúc các chính sách của Mỹ khiến họ quá bận bịu với khu vực châu Á, hơn nữa dư luận Mỹ cũng đã quá mệt mỏi với những cuộc chiến vùng Vịnh - một điều mà cả ông Obama và ông Trump đều nhận thấy.
Ông Ayham Kamel, chuyên gia của Công ty tư vấn Eurasia Group nhận định: "Washington sẽ luôn là một thế lực không thể thiếu trong khu vực nhưng những cam kết của họ với các liên minh truyền thống đang dần suy yếu và điều đó đã khuyến khích các lãnh đạo khu vực phải nghĩ đến những nước cờ chắc chắn hơn. Điện Kremlin giờ ở trong tâm trí mọi người".
Bình luận (0)