Tuy nhiên, Tổng thống Poroshenko thừa nhận rằng ngay cả khi Nga đã thôn tính một phần lãnh thổ Ukraine và kích động nổi dậy ở 2 vùng khác, Ukraine vẫn không thể cắt đứt quan hệ với Nga.
Từ đó, Tổng thống Ukraine công nhận rằng chính phủ của ông không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm “sự thông hiểu” với Nga.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Pháp ngày 6-6.
Ảnh: REUTERS
Lần đầu tiên trả lời phỏng vấn ở cương vị Tổng thống Ukraine, ông Poroshenko nhấn mạnh: “Có lẽ có người Ukraine muốn Thụy Điển hay Canada là nước láng giềng nhưng chúng tôi lại nằm kế cận nước Nga. Vì thế, chúng tôi không thể nói về một cảm giác an ninh vững chắc mà không có đối thoại và hiểu biết với Nga”.
Đó là lý do vì sao Tổng thống Poroshenko đã dành trọn cả ngày 8-6 vừa qua để nói chuyện với Đại sứ Nga tại Ukraine Mikhail Zurabov. Thế nhưng, một điều chắc chắn là Tổng thống Poroshenko không hề có ý định thân mật với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Thú thật, tôi không quan tâm lắm đến những gì ông Putin nghĩ về đất nước tôi. Nếu nhà lãnh đạo Nga nghi ngờ về quyền tồn tại của Ukraine bên trong biên giới hiện nay, cách tốt nhất để thuyết phục ông ta là xây dựng một quân đội hùng mạnh và một nền kinh tế thịnh vượng” – ông Poroshenko khẳng định.
Ngoài ra, ông nói thêm rằng để đạt được điều đó, cần có sự trợ giúp của phương Tây.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Ukraine, cố vấn Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Anton Gerashenko tuyên bố Ukraine có thể đóng cửa hoàn toàn biên giới với Nga ở miền Đông.
Tuy nhiên, báo chí Ukraine đưa tin dân quân Cộng hòa Nhân dân Donetsk đã nắm quyền kiểm soát thị trấn Dmitrovka ở biên giới Nga-Ukraine.
Về phần mình, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cáo buộc quân đội Ukraine đã sử dụng vũ khí hạng nặng tại các khu vực dân cư.
Trong một diễn biến khác, Chủ tịch Gazprom Alexei Miller tuyên bố thời hạn tiến hành chế độ trả trước tiền mua khí đốt đối với Ukraine được dời đến sáng 16-6.
Bình luận (0)