Những nỗ lực nhằm giúp Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vượt ải quốc hội trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ Barack Obama chính thức thất bại.
Thất bại cay đắng
Các lãnh đạo Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ hôm 11-11 thông báo với Nhà Trắng rằng sẽ không thúc đẩy TPP trước khi ông Obama rời Nhà Trắng - một bước đi khó tránh sau khi tỉ phú Donald Trump, người phản đối hiệp định này, đắc cử. Quan chức chính quyền Obama cũng thừa nhận không còn cách nào để Mỹ thông qua TPP trước khi ông Trump nhậm chức.
Theo tờ The Wall Street Journal, việc thỏa thuận thương mại lớn nhất trong hơn một thập kỷ qua chưa thể được thông qua là thất bại cay đắng của ông Obama, cũng như tác động đến cả vấn đề an ninh. “TPP không chỉ là một thỏa thuận thương mại đơn thuần vì nó còn giúp Mỹ và Nhật sát cánh cùng nhau. Những nước chia sẻ các giá trị này sẽ tạo ra một trật tự khu vực cấp cao với tầm ảnh hưởng không chỉ về kinh tế mà còn cả ngoại giao và an ninh. Đó là biểu tượng cho thấy Mỹ cam kết với khu vực” - GS Toshihiro Nakayama của Trường ĐH Keio khẳng định.
Giới chức Mỹ lâu nay cảnh báo việc không thông qua TPP sẽ giúp Trung Quốc vượt lên với một thỏa thuận thay thế gọi là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - nhiều khả năng được hoàn tất trong những tháng tới. Chưa hết, Mỹ còn có nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi sau khi Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski, nước chủ nhà của Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tuần tới, cho rằng các nước vành đai Thái Bình Dương có thể tìm kiếm một thỏa thuận thương mại mới có sự tham gia của Trung Quốc để thay thế TPP. Ngoài ra, theo ông Kuczynski, Nga nên tham gia vào nỗ lực mới này, nếu có.
Trái với TPP, số phận đạo luật cải tổ y tế của ông Obama (gọi là ObamaCare) có thể dễ thở hơn đôi chút dưới thời ông Trump sau khi tổng thống Mỹ đắc cử bất ngờ thừa nhận “rất thích” 2 điều khoản chính của đạo luật này: cấm các hãng bảo hiểm từ chối cung cấp bảo hiểm cho những người có bệnh từ trước và cho phép bố mẹ giữ con cái trong kế hoạch bảo hiểm của họ đến năm 26 tuổi.
Chiến dịch phản đối dài hơi
Cũng trong ngày 11-11, ông Trump bắt đầu đặt nền tảng cho sự chuyển giao quyền lực khi thành lập ủy ban điều hành tiến trình này. Ủy ban gồm 16 thành viên, trong đó có 3 người con của ông Trump và nhiều cố vấn trung thành. Đáng chú ý, ông Mike Pence, phó tổng thống đắc cử, được chọn làm người đứng đầu nhóm chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng. Trong khi đó, Thống đốc bang New Jersey Chris Christie bị giáng xuống làm phó cho ông Pence dù nhiều tháng qua đứng đầu nhóm này.
Nhiều người Mỹ cho đến giờ vẫn chưa chấp nhập viễn cảnh ông Trump sẽ là tổng thống Mỹ tiếp theo và đang tìm cách đảo ngược kết quả. Hơn 3 triệu người ký vào một kiến nghị trên trang web Change.org, trong đó thỉnh cầu các đại cử tri bỏ phiếu bầu bà Hillary Clinton, thay vì ông Trump, làm tổng thống. Chưa hết,làn sóng biểu tình vẫn tiếp diễn tại nhiều thành phố hôm 12-11. Một diễn biến gây lo ngại khi một người đàn ông đã bị bắn trong một cuộc tuần hành tại TP Portland, bang Oregon.
Không dừng lại ở đó, một cuộc biểu tình lớn dự định được tổ chức tại thủ đô Washington ngày 20-1-2017, thời điểm tỉ phú Trump tuyên thệ nhậm chức. Theo Reuters, những thủ lĩnh cuộc biểu tình chống ông Trump cho biết họ đang chuẩn bị cho “cuộc chiến lâu dài” sau khi ông Trump vào Nhà Trắng và Đảng Cộng hòa tiếp tục kiểm soát lưỡng viện quốc hội. Họ thậm chí kỳ vọng đây sẽ là những cuộc biểu tình mạnh mẽ nhất kể từ phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” năm 2011.
Bình luận (0)