Theo Reuters đưa tin lúc 18 giờ 55 phút ngày 5-10 (giờ Việt Nam, tức 7 giờ 55 phút cùng ngày giờ địa phương), bộ trưởng thương mại 12 nước - gồm Mỹ, Việt Nam, Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore - đã đạt thỏa thuận về TPP tại TP Atlanta, bang Georgia - Mỹ.
Họp báo chính thức công bố thỏa thuận sẽ diễn ra vào 13 giờ GMT (tức 20 giờ Việt Nam) và dự kiến kéo dài trong 30 phút.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari phát biểu với giới truyền thông tại hội nghị TPP hôm 3-10.
Ảnh: Reuters
Sau khi được ký kết, hiệp định TPP sẽ giảm thuế nhập khẩu và thiết lập các tiêu chuẩn chung cho 12 quốc gia đại diện cho 40% sản lượng kinh tế toàn cầu. Thỏa thuận này có thể tái định hình các ngành công nghiệp và ảnh hưởng đến mọi thứ từ giá phô-mai đến chi phí điều trị ung thư.
Quốc hội mỗi nước thành viên sẽ xem xét và thông qua TPP riêng rẽ sau đó.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thúc đẩy ký kết hiệp định trong suốt nhiệm kỳ của mình để mở cửa thị trường xuất khẩu của nước này, bao gồm các dịch vụ tài chính và dược phẩm. Thỏa thuận cũng được xem là chiêu bài đối trọng với Trung Quốc tại khu vực châu Á của Washington. Nếu được quốc hội Mỹ thông qua, TPP sẽ trở thành di sản nổi bật của Tổng thống Obama.
Các cột mốc của TPP
Năm 2006, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPSEP hay P4) được ký kết bởi 4 nước Brunei, Chile, Singapore và New Zealand.
Năm 2008 - 2013: Đàm phán TPP trên cơ sở TPSEP. Các nước đồng ý tham gia đàm phán bên cạnh 4 nước ban đầu là Úc, Canada, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru, Mỹ và Việt Nam. Mục tiêu ban đầu là ký kết được thỏa thuận trước năm 2012.
Năm 2010 – 2013: 19 vòng đàm phán được tiến hành.
Từ tháng 8-2013: Các vòng đàm phán chính thức không được tổ chức song các cuộc họp khác vẫn diễn ra.
Năm 2014 – 2015: Các cuộc họp giữa các trưởng đoàn đàm phán và bộ trưởng thương mại được tiếp diễn.
Lần gần nhất TPP lỡ hẹn là vào cuối tháng 7 tại Hawaii - Mỹ. khi các bộ trưởng thương mại không vượt qua được các vướng mắc lớn như thuế nhập khẩu sữa và phụ tùng ôtô, cũng như bảo hộ sở hữu trí tuệ với dược phẩm.
Phiên họp tại Atlanta lần này diễn ra ở cấp trưởng đoàn đàm phán (từ ngày 26 đến 29-9) và tiếp đó là cấp bộ trưởng thương mại (từ ngày 30-9 và liên tục được kéo dài đến ngày 5-10). Trở ngại giờ chót rơi vào vấn đề mở cửa thị trường sữa sau khi bảo hộ độc quyền dược phẩm và miễn thuế nhập khẩu ô tô được khai thông.
Mọi thông tin liên quan đến đàm phán TPP đều được giữ bí mật cho đến khi đạt được thỏa thuận cuối cùng giữa 12 nước.
Bình luận (0)