Thành phần chủ yếu của sừng tê giác là keratin, cùng loại làm thành tóc và móng của chúng ta. Những người ủng hộ sử dụng sừng tê giác tin rằng chúng có khả năng chữa bệnh cao. Nhưng làm gì có chuyện gặm móng và ăn tóc mà lại khỏe hơn!
Chỉ còn khoảng 30.000 con tê giác trong tự nhiên. Những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến một loài tê giác tuyệt chủng và chỉ còn lại 2 con tê giác trắng phương Bắc. Cả hai con này đều là con cái, đồng nghĩa với việc tê giác trắng phương Bắc biến mất chỉ còn là vấn đề thời gian.
Sudan, con tê giác trắng phương Bắc đực cuối cùng, được bảo vệ nghiêm ngặt tại khu bảo tồn Ol Pejeta ở huyện Laikipia - Kenya vào tháng 5-2017. Sau khi Sudan chết vào tháng 3-2018, loài này chỉ còn 2 con cái là con gái và cháu gái của Sudan. Ảnh: AP
Trung Quốc gần đây có nhiều bước tiến trong việc bảo tồn, đặc biệt là quyết định cấm buôn bán ngà voi vào đầu năm nay. Khi con người được giáo dục nhiều hơn, họ biết nhiều hơn về chuyện những con vật này bị giết ra sao, không gian sống của chúng bị tàn phá thế nào... Họ cũng phản đối chuyện đẩy chúng đến bờ vực tuyệt chủng một khi hiểu ra điều gì xảy ra sau các bộ phận cơ thể động vật. Cứ sát hại xong loài động vật này, những kẻ săn trộm và buôn bán sẽ lại chuyển mục tiêu sang loài khác và cứ thế tận diệt.
Quỹ Voi xác định nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao nhận thức của thanh niên về tầm quan trọng của bảo vệ đời sống hoang dã, nhất là các loài động vật đang gặp nguy hiểm như voi và tê giác. Thông điệp rất đơn giản: Nếu không đứng lên chống lại những kẻ rắp tâm tiêu diệt đời sống tự nhiên, chúng ta sẽ phải giải thích cho đời con, đời cháu về lý do trơ mắt đứng nhìn (trong khi chúng ta có sức mạnh để ngăn cản), đồng thời phải trả lời câu hỏi tại sao chỉ được nhìn hình thú vật trong sách vở thay vì thấy chúng tự do giữa thiên nhiên.
Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc duy trì lệnh cấm sử dụng sừng tê giác và xương cọp. Chỉ khi nói không với thói quen buôn bán các loài động vật gặp nguy hiểm thì chúng mới có cơ hội sống sót.
Bình luận (0)