Theo báo South China Morning Post (Hồng Kông), trong phiên làm việc của Ủy ban Lao động, Việc làm và Phát triển nguồn nhân lực hồi tháng trước, Thượng nghị sĩ Joel Villanueva - chủ tịch ủy ban này - chất vấn các quan chức Cục Nhập cư và Bộ Lao động - Việc làm (DOLE): "Thống kê của chính các vị cho thấy các vị cấp không nhiều giấy phép lao động cho người nước ngoài (AEP) nhưng thực tế là lao động Trung Quốc đang ngập tràn. Với số lượng như vậy, chắc chắn họ là lao động trái phép".
Ông Villanueva muốn biết người Trung Quốc có lấy mất việc làm của người Philippines hay không, khi có khoảng 3,8 triệu người dân nước này thất nghiệp (tính tới tháng 7-2018). Theo số liệu South China Morning Post có được, người Trung Quốc đang làm việc hợp pháp trong lĩnh vực cờ bạc trực tuyến cùng nhiều lĩnh vực khác mà người Philippines đủ trình độ đảm nhận (như sản xuất, xây dựng...).
Từ năm 2016 đến tháng 5-2018, DOLE cấp 53.311 AEP cho công dân Trung Quốc, bao gồm các ngành nghề quản lý, nghệ thuật, giải trí, cờ bạc, thông tin - viễn thông, sản xuất, xây dựng...
Lĩnh vực cờ bạc trực tuyến ở Philippines đang thuê mướn nhiều lao động Trung Quốc để đón đầu lượng khách đổ đến từ nước này Ảnh: SCMP
Người nhập cư Trung Quốc là chủ đề nhạy cảm ở Philippines. Ngoài nỗi lo mất việc làm, nhiều người e ngại giá nhà (mua và thuê) sẽ leo thang theo làn sóng người Trung Quốc. Trong phiên làm việc nêu trên, ông Ciriaco A. Lagunzad III, một chức sắc DOLE thừa nhận "nhiều người Trung Quốc tới Philippines với tư cách khách du lịch nhưng sau đó đổi visa sang loại làm việc".
Theo DOLE, trong khoảng thời gian từ 2015-2017, Cục Nhập cư cấp 119.814 SWP (một loại visa du lịch đặc biệt), hầu hết cho lao động trong lĩnh vực cờ bạc trực tuyến. Trong khi đó, số liệu của Bộ Du lịch cho thấy ít nhất 3,3 triệu người Trung Quốc đã đến Philippines trong vai trò du khách từ năm 2016 đến tháng 11-2018. Như vậy, theo hệ thống của DOLE hiện nay, bất cứ ai trong số 3,3 triệu "du khách" Trung Quốc này cũng có thể đổi sang visa làm việc, miễn là họ lấy được AEP.
Dù vậy, ông Wilson Lee Flores, cây bút bình luận của báo The Philippine Star, nghi ngờ số liệu trên đã bị phóng đại. "Tại sao họ phải tới đây làm công nhân xây dựng trong khi mức lương tối thiểu ở Quảng Đông đã gấp đôi của chúng ta?" - ông đặt câu hỏi. Trong khi đó, Tổng thống Duterte nhắc nhở "số lượng người Philippines làm việc ở Trung Quốc cũng tương đương chiều ngược lại".
Trang Gulf News dẫn lời Bộ trưởng DOLE Silvestre Bello rằng hơn 12.200 người đang làm việc hợp pháp ở đại lục trong khi có khoảng 200.000 lao động bất hợp pháp (tính tới năm 2016). Thêm vào đó, Bộ trưởng Ngân sách Benjamin Diokno hồi tháng trước cho biết Manila dự kiến ký thỏa thuận với Bắc Kinh về việc đưa thêm 10.000 người Philippines đến Trung Quốc làm việc.
Bình luận (0)