Sau khi tuyên thệ nhậm chức hồi tháng 1 năm nay, một phụ tá của cựu Tổng thống Barack Obama lặng lẽ mang một chiếc cặp xách màu đen đến bên cạnh Tổng thống Donald Trump.
Kể từ lúc ấy, ông đã có toàn quyền kiểm soát các mã khởi động cho một cuộc tấn công hạt nhân mang tính chiến lược.
Năm 1990, tỉ phú New York từng phát biểu trên một tờ tạp chí: "Tôi luôn nghĩ về vấn đề chiến tranh hạt nhân. Đó là yếu tố rất quan trọng trong dòng suy nghĩ của tôi". Ông mô tả chiến tranh hạt nhân là "thảm hoạ khủng khiếp", đồng thời so sánh với một căn bệnh mà mọi người không muốn nhắc tới.
"Tôi tin rằng điều ngu ngốc nhất trong tất cả những điều ngu ngốc là mọi người tin rằng (chiến tranh hạt nhân) sẽ không bao giờ xảy ra. Bởi vì mọi người đều biết mức độ tàn phá của nó như thế nào" - ông nói.
Ông Donald Trump trong lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Ảnh: TIME
Trong bối cảnh Mỹ và Triều Tiên đang căng thẳng xoay quanh chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, dường như không phải tất cả chính trị gia Mỹ đều tin tưởng vào quyết định đơn lẻ của tổng thống đối với hệ thống tấn công hạt nhân hiện tại của Washington.
Thành viên đảng Dân chủ tại hạ viện Mỹ Ted Lieu đã kiến nghị phải có sự chấp thuận của quốc hội thì tổng thống mới được phát động một cuộc tấn công hạt nhân: "Ngay bây giờ, một người có thể phóng hàng ngàn vũ khí hạt nhân, đó là tổng thống. Không ai có thể ngăn cản ông ấy. Theo luật, bộ trưởng quốc phòng phải tuân theo lệnh của ông ấy. Không có sự giám sát của tòa án, không có sự giám sát của quốc hội".
Đạo luật về Năng lượng nguyên tử năm 1946 do cố Tổng thống Mỹ Harry Truman ký đã trao toàn bộ trách nhiệm sử dụng kho vũ khí hạt nhân của quốc gia cho tổng thống. Điều đó có nghĩa là tổng thống có thể ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân bằng lời nói.
Trong khi ông Lieu cho rằng tiến trình hiện tại là vi hiến, Hiến pháp Mỹ cho phép tổng thống sử dụng quân đội mà không cần sự chấp thuận của quốc hội nếu nó phục vụ mục đích tự vệ.
Điều đó cho thấy Triều Tiên sẽ phải tấn công Mỹ, hoặc một phần lãnh thổ của Mỹ - chẳng hạn như đảo Guam - trước thì Tổng thống Donald Trump mới có thể đưa ra chính sách trả đũa hạt nhân.
Chiếc cặp da màu đen thường được gọi bằng cái tên "Quả bóng hạt nhân". Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953. Cuộc chiến này chỉ tạm kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, vì vậy trên thực tế bán đảo Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Do đó, Tổng thống Donald Trump vẫn có thể tấn công Triều Tiên trước bằng cách lập luận Washington đang ở trong một cuộc chiến với Bình Nhưỡng.
Trong khi Tổng thống Donald Trump có thể phát động một cuộc tấn công hạt nhân chống lại Triều Tiên, một đạo luật ban hành 1973 đòi hỏi tổng thống phải nhận được sự cho phép của quốc hội nếu muốn gửi quân đội ra nước ngoài tham chiến.
Tháng 3 năm ngoái, Tổng thống Donald Trump khẳng định ông sẽ là người cuối cùng sử dụng hạt nhân. "Tôi sẽ không lấy các quân bài ra khỏi bàn. Chúng tôi có năng lực hạt nhân. Người cuối cùng sử dụng hạt nhân là Donald Trump" – ông khẳng định.
Bình luận (0)