Đài BBC cho biết 160 binh sĩ Iraq bảo vệ nhà máy đã chấp nhận buông vũ khí và rời khỏi đây. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Iraq Hoshyar Zebari bác bỏ và khẳng định lực lượng đặc nhiệm Iraq vẫn đang nắm quyền kiểm soát nơi này.
Việc chiếm nhà máy lọc dầu Baiji sẽ tạo điều kiện cho phiến quân tiếp tục kiểm soát các khu vực họ đã giành được cũng như cung cấp nhiên liệu cho Mosul.
Baiji - nhà máy lọc dầu lớn nhất Iraq - được xem là cơ sở công nghiệp quan trọng nhất tại các khu vực có đa số người Sunni sinh sống với lượng dầu đã qua xử lý chiếm 1/3 tổng sản lượng của nước này. Nếu sản xuất suôn sẻ, 500 xe bồn chở đầy dầu trị giá 10 triệu USD sẽ rời khỏi đây mỗi ngày. Tuy nhiên, theo báo The New York Times, ít nhất 1/3 lượng dầu kể trên "chảy" thẳng ra thị trường đen.
Theo kênh Al Jazeera, phiến quân ISIL đã mở cho 460 binh sĩ Iraq vẫn còn ở gần nhà máy Baiji một lối thoát an toàn đến Erbil - thủ phủ khu vực tự trị của người Kurd - nếu họ hạ vũ khí. Sau đó, ISIL sẽ giao Baiji cho các nhà lãnh đạo Sunni địa phương.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp gỡ thủ lĩnh người Kurd Massoud Barzani ở Irbil hôm 24-6
Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 24-6 đã đến Erbil để thuyết phục các thủ lĩnh người Kurd tham gia chính phủ mới ở Baghdad sau khi lực lượng Peshmerga của họ nắm quyền kiểm soát TP Kirkuk tại miền Bắc Iraq. Hãng tin Reuters cho hay người Kurd từ lâu đã mong chiếm được Kirkuk, nơi có nguồn dự trữ dầu mỏ khổng lồ mà họ cho là thủ phủ lịch sử của mình.
Ngoài mối đe dọa đến từ ISIL, đài Fox News (Mỹ) đưa tin Iraq còn đối mặt với “bóng ma Baath”. Sau 10 năm sống ẩn dật và bị chính quyền Iraq quấy rầy, các thành viên đảng Baath của cố lãnh đạo Saddam Hussein - trong đó có nhiều tướng lĩnh hàng đầu - đã trở lại, liên minh với ISIL.
Một thủ lĩnh cao cấp của Baath ở Bắc Iraq khẳng định: “Chúng tôi có cùng mục đích là loại bỏ chính phủ giáo phái, chấm dứt nạn tham nhũng và thương lượng để thành lập một nhà nước của người Sunni”.
Bình luận (0)