Ảnh: REUTERS
Dọa là chính
Tuyên bố của Ủy ban Hòa bình châu Á - Thái Bình Dương của CHDCND Triều Tiên nêu rõ tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang “tiến gần đến một cuộc chiến nhiệt hạch” và nước này không muốn thấy người nước ngoài ở Hàn Quốc trở thành “nạn nhân”. Vì thế, ủy ban nói trên đã đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp và du khách nước ngoài xem xét sơ tán vì sự an toàn của mình.
Đây không phải là lần đầu tiên Triều Tiên nói đến “chiến tranh nhiệt hạch” trong vài tháng qua - lần gần đây nhất là hôm 7-3. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng còn lâu mới phát triển được loại vũ khí hạt nhân tiên tiến như thế. Giới phân tích cho rằng tuyên bố mới nhất nói trên cũng chỉ mang tính đe dọa không hơn không kém.
Park Syung-je, một nhà phân tích quân sự tại Viện Chiến lược châu Á ở Seoul, nhận định với báo Los Angeles Times (Mỹ): “Nếu Triều Tiên bắn về phía Seoul hoặc những vùng khác của Hàn Quốc, một cuộc chiến toàn diện sẽ nổ ra. Trong lúc nhà lãnh đạo Kim Jong-un còn trẻ thì các tướng lĩnh xung quanh ông ta lại lớn tuổi. Họ sẽ không quá khinh suất để phát động một cuộc chiến toàn diện bởi đó sẽ là một sứ mệnh tự sát”. Mặt khác, các chuyên gia cho rằng giới lãnh đạo Triều Tiên sẽ không giảm bớt giọng điệu hiếu chiến vào thời điểm này bởi tháng 4 là tháng có nhiều ngày lễ quan trọng của đất nước, như kỷ niệm 1 năm ông Kim Jong-un làm Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Triều Tiên (11-4) và Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng quốc gia (13-4), ngày sinh cố chủ tịch Kim Nhật Thành (15-4)…
Nhật Bản triển khai tên lửa đánh chặn
Cùng ngày, nhật báo Sankei (Nhật Bản) đưa tin Triều Tiên đã thông báo với một số sứ quán nước ngoài về kế hoạch phóng tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản về phía Thái Bình Dương trong ngày 10-4. Đứng trước kế hoạch này, Nhật Bản đã cho triển khai các tên lửa đánh chặn Patriot tại những vị trí quan trọng khắp Tokyo để sẵn sàng bảo vệ người dân.
Trong khi đó, nghị sĩ Chung Moon-joon, thủ lĩnh Đảng Saenuri cầm quyền ở Hàn Quốc, hôm 8-4 cho rằng sự trợ giúp hạt nhân của Mỹ là cần thiết không chỉ để dập tắt những khiêu khích liên tục của Triều Tiên mà còn để “gửi thông điệp mạnh” đến Trung Quốc. Phát biểu trong chuyến thăm Mỹ, chính khách nổi tiếng này khẳng định: “Việc sở hữu vũ khí hạt nhân là cách tốt nhất để chống lại các mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. Điều này đồng thời sẽ phát đi thông điệp chính trị mạnh mẽ đến cả Triều Tiên và Trung Quốc”.
Theo ông Chung Moon-joon, Bắc Kinh đang thờ ơ trước những động thái mà Seoul coi là chiến thuật gây hấn của Triều Tiên. Cũng đồng tình với nhận định này, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã thúc giục Trung Quốc tăng cường dùng ảnh hưởng để kiềm chế Triều Tiên.
Phản ứng trước lời kêu gọi trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi chỉ lên tiếng kêu gọi về hòa bình và đối thoại trên bán đảo Triều Tiên nhằm ngăn chặn một cuộc đối đầu có thể xảy ra. Dù vậy, ông Trương Lương, chuyên gia về bán đảo Triều Tiên thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói với tờ Thời báo Hoàn Cầu hôm 8-4 rằng cùng với lời kêu gọi trên, lãnh đạo Trung Quốc cần sơ tán các doanh nghiệp khỏi Triều Tiên để đề phòng trường hợp xấu nhất.
Kaesong bị đóng cửa Công nhân Triều Tiên không đi làm tại khu công nghiệp Kaesong hôm 9-4, một ngày sau khi Bình Nhưỡng quyết định đóng cửa nơi này vô thời hạn và rút toàn bộ 53.000 nhân viên khỏi Kaesong. Hàn Quốc đã chỉ trích hành động “không thể biện minh được” nói trên của Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cảnh báo hành động trên có thể khiến không còn nước nào muốn đầu tư vào Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định việc Triều Tiên đóng cửa khu công nghiệp Kaesong là “rất đáng tiếc” và sẽ “không giúp đạt được mong muốn của Triều Tiên là cải thiện kinh tế và nâng cao đời sống người dân”. Trước khi có diễn biến trên, khu công nghiệp Kaesong chưa từng đóng cửa lần nào kể từ khi được thành lập vào năm 2004. Giới phân tích nhận định hành động này cho thấy mức độ sâu sắc của cuộc khủng hoảng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên. |
Bình luận (0)