Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Triều Tiên đang chế tạo một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Hồi tháng 1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố Bình Nhưỡng đã bước vào giai đoạn chuẩn bị phóng thử một ICBM có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó bác bỏ tuyên bố của ông Kim, cho rằng điều này sẽ không xảy ra.
Trong nhiều năm trở lại đây, Triều Tiên tích cực cải thiện khả năng hoạt động và tầm bắn của tên lửa đạn đạo. Nước này cũng chế tạo được một số lượng lớn tên lửa tính đến năm 2016, trong khi tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5 vào tháng 9-2016.
Sự tiến bộ của chương trình tên lửa Triều Tiên có thể khiến Mỹ phải đẩy nhanh kế hoạch nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa.
Washington hiện dựa vào tên lửa đạn đạo đánh chặn đặt ở hai bang California và Alaska để bảo vệ Hawaii. Nhưng nếu Triều Tiên chế tạo thành công ICBM, các hệ thống đó sẽ khó có thể bảo vệ các căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương.
Cơ quan Quốc phòng Tên lửa Mỹ hồi tháng 2 đã bắn thử loại tên lửa mới SM-3 Block IIA từ Hawaii, đánh chặn thành công một tên lửa đạn đạo đang bay tới. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc hiện chưa có cơ sở phòng thủ tên lửa thường trực hoặc trang bị khả năng phát hiện tên lửa trên quần đảo này.
Giám đốc Trung tâm Năng lượng, Tài nguyên và Địa chính trị tại Viện Phân tích An ninh Toàn cầu Ariel Cohen nhận định: “Mỹ phải giả định Triều Tiên sẽ sớm hoàn thành ICBM từ 5-10 năm hoặc sớm hơn. Bộ Quốc phòng Mỹ cần nhanh chóng nâng cấp hệ thống phòng thủ Aegis Ashore ở Hawaii, chuyển từ thử nghiệm sang sẵn sàng hoạt động để chống lại mối đe dọa của Triều Tiên”.
Chi phí dự tính cho việc chuyển đổi vào khoảng 41 triệu USD, không đáng là bao so với ngân sách của Bộ Quốc phòng, theo giám đốc Cohen.
Ngoài Mỹ, Nhật Bản cũng đang phải chịu sức ép rất lớn vài ngày sau khi Triều Tiên bắn liên tiếp 4 quả tên lửa. Do hạn chế về Hiến pháp nên Tokyo không được trang bị tên lửa tầm xa hoặc máy bay ném bom, thay vào đó dựa vào Washington như một “chiếc ô hạt nhân”.
Giờ đây, mức độ đe dọa ngày càng tăng từ tên lửa Triều Tiên khiến các nhà lập pháp Nhật Bản tìm kiếm sự thay đổi. “Chúng ta không nên loại trừ bất kỳ phương pháp nào. Bây giờ chúng ta không có khả năng (chống lại một cuộc tấn công tên lửa của Triều Tiên) và cũng chưa lên kế hoạch để đạt được điều đó” - Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada phát biểu tại Quốc hội hôm 9-3 khi được hỏi về khả năng tấn công tầm xa.
Nhật Bản đang có các tên lửa đánh chặn SM-3 và PAC-3. Chính quyền Tokyo cho biết họ có thể xem xét lắp đặt Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ bắt đầu triển khai ở Hàn Quốc song cũng phải mất vài năm mới hoàn thành.
Bình luận (0)